Đức Thánh cha gặp gỡ các sinh viên Đại học Công giáo Bồ Đào Nha
Trong cuộc gặp gỡ các sinh viên Đại học Công giáo Bồ Đào Nha, ở thủ đô Lisboa, sáng ngày 03 tháng Tám vừa qua, Đức Thánh cha mời gọi họ đừng chỉ lo bảo tồn bản thân, nhưng can đảm dấn thân phát triển cho chính mình và xã hội.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đại học Công giáo Bồ Đào Nha
Sau thánh lễ tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Lisboa, lúc gần 9 giờ sáng, Đức Thánh cha Phanxicô đã lên đường tới thăm Đại học Công giáo, cách đó chừng 15 phút. Cơ sở giáo dục này được thành lập năm 1967 với sắc lệnh của Tòa Thánh, theo lời thỉnh cầu của Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha. Đây là Đại học Công giáo đầu tiên được Giáo hội thành lập, chứ không phải do nhà nước Bồ Đào Nha, và hiện nay được coi là một trong những đại học có chất lượng cao nhất tại nước này, với 17 phân khoa và hơn 20.000 sinh viên, 1.024 giáo sư Bồ Đào Nha và 230 giáo sư quốc tế. Ngoài cơ sở chính tại Lisboa, Đại học còn có ba chi nhánh tại các thành phố Braga, Porto và Viseu.
Gặp gỡ
Đến đại học vào lúc 9 giờ, Đức Thánh cha được hàng ngàn người hiện diện chào đón nồng nhiệt, tại khuôn viên đại học và ngài được mời tiến lên bục cao. Hiện diện trong dịp này, cũng có Tổng thống Marcelo Rebelo của Bồ Đào Nha, các hồng y và giám mục thuộc đoàn tùy tùng của Đức Thánh cha, và nhiều chức sắc khác của đại học.
Sau lời chào mừng của Giáo sư Viện trưởng, bà Isabel Capeloa Gil, hai sinh viên đã lần lượt trình bày chứng từ, đi từ Thông điệp Laudato sì của Đức Thánh cha về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại, và Hiệp ước giáo dục hoàn cầu, do Đức Thánh cha đề xướng. Tiếp đến là chứng từ của một sinh viên khác về Nền kinh tế Phanxicô. Đặc biệt sau cùng, có chứng từ của một nữ sinh được học bổng của Quỹ Đức Giáo hoàng Phanxicô về nền văn hóa gặp gỡ, đó là cô Mahoor Kaffashian, sinh viên nha khoa ở Viseu, chi nhánh của Đại học Công giáo Bồ Đào Nha từ năm ngoái. Cô là một tín hữu, tị nạn từ Iran sang Ucraina, nhưng tình trạng chiến tranh tại đây khiến cô lại phải tị nạn. Nhưng cô được một toán thuộc Đại học Công giáo Bồ Đào Nha giúp đỡ, trong chương trình Ngân Quỹ Đức Giáo hoàng Phanxicô trợ giúp xã hội. Cô cho biết chính nhờ sức mạnh, niềm tin và can đảm, cô có thể tiếp tục tiến bước và bắt đầu lại. Qua việc học hành, cô tìm cách trao cho tha nhân tình thương và hy vọng và lòng tin tưởng mà đại học này đã cống hiến cho cô, qua cuộc gặp gỡ văn hóa đích thực.
Diễn từ của Đức Thánh cha
Lên tiếng sau những chứng từ trên đây, Đức Thánh cha nhắc lại một câu trong lời chào mừng của bà Viện trưởng, theo đó “Đại học không hiện hữu để tự bảo tồn như một tổ chức, nhưng để can đảm đáp lại những thách đố của hiện tại và tương lai”. Đức Thánh cha nói: “Tự bảo tồn là một cám dỗ, một phản ứng do sợ hãi khiến ta nhìn cuộc sống một cách sai lệch. Nếu các hạt giống tự bảo tồn, thì chúng sẽ hoàn toàn phí phạm tiềm năng sinh sản của chúng và để cho chúng ta chịu đói; nếu những mùa đông tự bảo tồn mình, thì sẽ không có những cảnh tuyệt vời của mùa xuân. Vì thế, các bạn hãy can đảm thay thế sợ hãi bằng những ước mơ: đừng trở thành những người quản lý sợ hãi, nhưng là những doanh nhân mơ ước!
Đón nhận kiến thức như một trách nhiệm
Đức Thánh cha xác quyết rằng: “Thật là một điều phí phạm khi nghĩ đến một đại học dấn thân đào tạo các thế hệ trẻ chỉ để làm cho chế độ ưu tú và chênh lệch trên thế giới được trường tồn, trong đó giáo dục cao đẳng tiếp tục là đặc ân cho một thiểu số người. Nếu kiến thức không được đón nhận như trách nhiệm, thì nó trở thành son sẻ. Nếu ai nhận được một nền giáo dục cao đẳng ngày nay tại Bồ Đào Nha và trên thế giới chỉ như một đặc ân và không cố gắng đáp lại điều mình đã được hưởng, thì họ không am hiểu tường tận điều gì đã được cống hiến cho họ”.
Đáp ứng các thách đố
Đức Thánh cha cũng nhắc nhở các sinh viên về câu Thiên Chúa hỏi Cain trong sách Sáng thế ký: “Em ngươi ở đâu?” (St 4.9) và ngài đề nghị các bạn trẻ cũng hãy đặt câu hỏi: “người anh em tôi ở đâu?” và Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: Bằng cấp không được coi như một giấy phép để kiến tạo sự sung túc cho bản nhân, nhưng như một sứ mạng để tận tụy dấn thân cho một xã hội công bằng và bao gồm hơn, nghĩa là tiến bộ hơn.
Nhắc đến những thách đố bảo vệ môi trường mà một sinh viên đề cập tới trong chứng từ, Đức Thánh cha khẳng định rằng “các bạn là thế hệ có thể thắng được thách đố này: các bạn có các phương tiện khoa học và kỹ thuật tối tân hơn, nhưng xin các bạn đừng rơi vào những cạm bẫy những quan niệm phiến diện. Đừng quên rằng chúng ta cần một nền sinh thái học toàn diện, lắng nghe đau khổ của trái đất cùng với đau khổ của những người tị nạn; đề tài di dân cùng với đề tài số sinh giảm sút, quan tâm đến chiều kích vật chất của cuộc sống trong một chiều kích tinh thần. Đừng cực đoan hóa, nhưng hãy có những quan niệm toàn bộ, tổng quan.
Đức Thánh cha không quên nhắc nhở các sinh viên hãy “làm cho niềm tin của mình trở nên đáng tin cậy, qua những chọn lựa. Vì nếu đức tin không tạo nên những lối sống có sức thuyết phục, vì không làm cho đấu bột của thế giới dậy men. Là một Kitô hữu xác tín mà thôi, thì vẫn chưa đủ, còn cần phải có sức thuyết phục: những hành động của chúng ta được kêu gọi phản ánh vẻ đẹp, vui tươi cùng với tích cách quyết liệt của Tin mừng. Ngoài ra, Kitô giáo không thể bị coi như một pháo đài có những bức tường vây quanh, dựng lên những thành trì đối với thế giới.
Cuộc gặp gỡ dài một giờ đồng hồ. Trước khi kết thúc, Đức Thánh cha đã làm phép viên đá đầu tiên để xây Đại học xá, gọi là “Campus Veritas”.