Đức Thánh cha gặp chính quyền Đông Timor

Vào lúc 5 giờ 30 chiều, ngày 09 tháng Chín, Đức Thánh cha Phanxicô đã đến dinh Tổng thống Đông Timor để chào thăm tổng thống, rồi gặp gỡ chính quyền, cùng với các đại diện xã hội và ngoại giao đoàn, tổng cộng khoảng 400 người.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong lời chào mừng Đức Thánh cha, Tổng thống Ramos Horta gọi cuộc viếng thăm của ngài là một biến cố lịch sử, trùng vào dịp kỷ niệm 50 năm cuộc cách mạng Garofani ở Bồ Đào Nha và 25 năm cuộc trưng cầu dân ý do Liên Hiệp Quốc làm trung gian, về nền độc lập của Đông Timor. Ông nhiệt liệt cám ơn Đức Thánh cha và Giáo hội Công giáo, đồng thời nhắc đến Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại, và cầu mong sứ điệp hòa bình, hòa giải và hy vọng của Đức Thánh cha gợi ý cho các lãnh tụ thế giới chấm dứt các cuộc xung đột, bài trừ nghèo đói và bất công trên thế giới.

Diễn văn của Đức Thánh cha

Về phần Đức Thánh cha, lên tiếng trong dịp này, ngài nhắc đến các thừa sai đầu tiên thuộc Dòng Đa Minh Bồ Đào Nha, hồi thế kỷ XVI đã mang Công giáo và tiếng Bồ đến phần đất này. Và ngày nay, tiếng Tetum và tiếng Bồ là hai ngôn ngữ chính thức của quốc gia.

Đức Thánh cha nói: “Kitô giáo, sinh ra ở Á châu, đã đến phần đất xa xăm này của Đại Lục, qua các thừa sai Âu châu, chứng tỏ ơn gọi phổ quát và khả năng của Kitô giáo hòa hợp với các nền văn hóa rất khác nhau, các văn hóa này, khi gặp Tin mừng, thì tìm được một tổng hợp mới cao quý và sâu xa hơn”.

Đức Thánh cha cũng nhắc đến đất nước Đông Timor “trong quá khứ gần đây đã trải qua giai đoạn đau thương, đã chịu những co quắp và bạo lực, là điều người ta thường thấy, khi một dân tộc đối diện với sự độc lập hoàn toàn và tìm kiếm một sự tự trị bị phủ nhận hoặc ngăn cản.

“Từ ngày 28 tháng Mười Một năm 1975 đến ngày 20 tháng Năm năm 2002, nghĩa là từ nền độc lập được tuyên bố cho đến nền độc lập thực sự được tái lập, Đông Timor đã sống những năm thương khó và thử thách lớn lao. Nhưng đất nước đã biết trỗi dậy, tìm được con đường hòa bình và mở ra một giai đoạn mới, phát triển, cải tiến những điều kiện sinh sống, đề cao giá trị ở mọi cấp độ sự huy hoàng không bị ô nhiễm của lãnh thổ này, với các tài nguyên thiên nhiên và nhân sự”.

Đức Thánh cha cũng nhắc đến cuộc viếng thăm của Thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng tại Đông Timor, hồi năm 1989, và trong bài giảng thánh lễ ở Tasi-Tolu, Đức Cố Giáo hoàng đã nhắc nhở các tín hữu Đông Timor “hãy có một truyền thống, trong đó đời sống gia đình và các phong tục xã hội cần ăn rễ sâu trong Tin mừng”, một truyền thống phong phú của các giáo huấn và tinh thần các Mối Phúc, khiêm tốn tín thác nơi Chúa, tha thứ, từ bi và nếu cần thì kiên nhẫn chịu đau khổ” (12-10-1989).

Đức Thánh cha Phanxicô đặc biệt nhắc đến và ca ngợi sự kiên trì dấn thân của nhân dân Đông Timor để đạt tới một sự hòa giải với các anh chị em Indonesia. Thái độ này có nguồn mạch trước tiên và tinh tuyền nhất trong các giáo huấn Tin mừng. Ước gì trong những hoàn cảnh xung đột khác ở các nơi trên thế giới, cũng trổi vượt ước muốn hòa bình và thanh tẩy ký ức như thế để khép kín các vết thương và thay thế oán thù bằng hòa giải và thay sự đối nghịch bằng sự cộng tác!”

Đức Thánh cha cám ơn và ca ngợi Đông Timor, vì trong dịp kỷ niệm 20 năm độc lập, đã đón nhận như một văn kiện quốc gia Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại, mà ngài đã cùng Đại Imam của Đền thờ Hồi giáo Al-Azhar ngày 04 tháng Hai năm 2019, ở Abu Dhabi, và đưa vào cả trong các chương trình học đường. Tiến trình giáo dục thật là điều cơ bản.

Đức Thánh cha khuyến khích chính quyền và nhân dân Đông Timor tiếp tục theo đuổi, với lòng tín thác, việc xây dựng và củng cố các cơ cấu của đất nước để các công dân cảm thấy được thực sự đại diện và để các cơ cấu ấy thích hợp hoàn toàn hầu phục vụ nhân dân Đông Timor.

Trong số nhiều vấn đề thời sự mà Đông Timor đang phải đương đầu, có hiện tượng xuất cư. Đó là một dấu chỉ chứng tỏ có một sự thiếu hoặc không thích hợp trong việc đề cao giá trị của các tài nguyên, cũng như những khó khăn trong việc cống hiến cho tất cả mọi người một công ăn việc làm mang lại lợi tức công bằng và bảo đảm một lợi tức đáp ứng các nhu cầu căn bản của gia đình. Cụ thể, Đức Thánh cha nghĩ đến tình trạng nghèo tại bao nhiêu miền nông thôn, và vì thế cần những hoạt động chung, rộng lớn, với sự can dự của nhiều lực lượng, dân sự tôn giáo, xã hội để mang lại biện pháp chữa trị cũng như cống hiến những khả thể khác, ngoài việc xuất cư.

Đức Thánh cha không quên nhắc đến những tai ương xã hội, như nghiện rượu nơi những người trẻ và các băng đảng, thành phần các băng này giỏi võ thuật, nhưng thay vì phục vụ những người yếu thế thì lại sử dụng chúng để biểu dương một cách phù du quyền lực, bạo lực. Ngoài ra, có những trẻ em và thiếu niên bị thương tổn trong phẩm giá: tất cả chúng ta đều được kêu gọi hành động trong tinh thần trách nhiệm để phòng ngừa tai ương xã hội này và đảm bảo một sự tăng trưởng thanh thản cho các trẻ em của chúng ta.

Đức Thánh cha nói: Để giải quyết các vấn đề nói trên, cũng như quản lý tốt đẹp các tài nguyên thiên nhiên của đất nước, đặc biệt là các mỏ dầu khí, có khả năng khôn tả trong việc phát triển, điều không thể thiếu được là huấn luyện thích hợp cho những người sẽ được kêu gọi trở thành giai cấp lãnh đạo của đất nước trong tương lai không xa. Như thế, họ có thể có tất cả những phương thế cần thiết để đề ra những dự án bao quát, hoàn toàn nhắm phục vụ công ích.

Cuộc gặp gỡ kết thúc lúc quá 7 giờ 30 tối, giờ địa phương. Đức Thánh cha trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh để dùng bữa tối và nghỉ đêm.