Đức Thánh cha cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Mông Cổ
Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu tin tưởng nơi tình thương của Chúa trong sa mạc cuộc đời và sẵn sàng chấp nhận thập giá trong cuộc sống, vì qua đó chúng ta sẽ tìm lại được cuộc sống sung mãn.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Thánh cha đưa ra lời nhắn nhủ trên đây, trong bài giảng thánh lễ duy nhất ngài cử hành cho các tín hữu tại Mông Cổ, lúc 4 giờ chiều, Chúa nhật, ngày 03 tháng Chín vừa qua, tại thủ đô Ulanbator của Mông Cổ.
Trước đó, Đức Thánh cha đã rời Tòa Phủ doãn, di chuyển gần 17 cây số để tới Steppe Arena, Thao trường Thảo nguyên, một sân vận động trượt băng đa dụng, để cử hành thánh lễ.
Thao trường này được khởi công kiến thiết cách đây bốn năm (2019), có mái che, với sự cộng tác của các kỹ sư đến từ Nga, Trung Quốc, Canada, Mỹ và Áo, theo các tiêu chuẩn do Ủy ban thế vận quốc tế ấn định. Tham gia công trình này, có 95 công ty quốc gia và 6 công ty nước ngoài, được 1.600 chuyên gia trợ giúp, với phí tổn hơn 23 tỷ đồng tugrik của Mông Cổ, tức khoảng chín triệu Mỹ kim. Thao trường được khánh thành cách đây hai năm, và có 2.600 chỗ ngồi.
Đức Thánh cha đến thao trường lúc quá 3 giờ 30 chiều và dùng xe golf để đi vòng quanh sân chào thăm hơn 2.500 tín hữu hiện diện, trước sự phấn khởi vui mừng của mọi người. Cả nước Mông Cổ chỉ có 1.400 tín hữu, nên gần một nửa các tín hữu còn lại đều đến nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, Hong Kong, và Việt Nam.
Lễ đài được dựng trên sân trượt băng.
Đồng tế với Đức Thánh cha, có hơn 30 hồng y và giám mục các nước ở trên lễ đài, cùng với hơn 30 linh mục các nước, ở khu vực trước bàn thờ. Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Anh và tiếng Mông Cổ. Đức Thánh cha ngồi chủ tọa thánh lễ như mọi khi và phần tại bàn thờ do Đức Hồng y Giorgio Marengo, vị chủ chăn của Phủ doãn Tông tòa Ulanbator.
Bài giảng Đức Thánh cha
Trong bài giảng, Đức Thánh cha đã diễn giải một câu thánh vịnh thứ 63 trong đáp ca: “Lạy Chúa, hồn con khao khát Chúa, thân xác con mong đợi Chúa như đất khô mong nước” (Tv 63,2). Ngài nhận xét rằng: “Lời khẩn cầu tuyệt vời này đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, giữa những sa mạc mà chúng ta được kêu gọi đi qua. Chính tại đất khô cằn này chúng ta nhận được tin vui: chúng ta không đơn độc trong hành trình; những khô cằn của chúng ta không có sức mạnh làm cho cuộc sống của chúng ta khô héo: Thiên Chúa đã sai Con của ngài đến ban nước hằng sống cho chúng ta để giải khát linh hồn chúng ta (Xc Ga 4,10). Và Chúa Giêsu, như chúng ta vừa nghe trong Tin mừng, chỉ cho chúng ta con đường để được giải khát: đó là con đường tình thương mà chính Chúa đã đi qua cho đến cùng, đến tận thập giá, trên đó, Chúa kêu gọi chúng ta theo Ngài, “hiến mạng sống để tìm tại đó” (Xc Mt 16,24-25).
Đi vào chi tiết hơn, Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Trong những sa mạc đời sống chúng ta và trong vất vả cơ cực vì là một cộng đoàn bé nhỏ, Chúa không để anh chị em thiếu nước là Lời Ngài, nhất là qua các vị giảng thuyết và các thừa sai, được Thánh Thần xức dầu, gieo vãi vẻ đẹp của Lời Chúa. Và Lời Chúa luôn đưa chúng ta trở lại điều thiết yếu của đức tin: đó là để cho mình được Thiên Chúa yêu thương hầu biến cuộc sống chúng ta thành một lễ vật tình yêu. Vì chỉ có tình yêu thực sự giải khát chúng ta.”
Đức Thánh cha nhắc lại tường thuật của Tin mừng: ông Phêrô không chấp nhận và muốn ngăn cản việc Chúa Giêsu đón nhận thập giá, bị các thủ lãnh của dân cáo buộc, kết án, chịu khổ hình và chết trên thập giá. Nhưng Chúa Giêsu khiển trách ông Phêrô. Từ sự tích đó, Đức Thánh cha đưa ra lời cảnh giác: “Nếu chúng ta nghĩ rằng để giải những cơn khát trong cuộc sống chúng ta, chỉ cần thành công, quyền lực, những của cải vật chất, thì đó là một tinh thần thế tục, không mang lại điều gì tốt nhưng nó càng để chúng ta khô cằn hơn trước. Trái lại, Chúa Giêsu chỉ đường cho chúng ta: Nếu ai muốn theo Ta, thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình và theo Ta...”
Đức Thánh cha nói: “Anh chị em, con đường tốt nhất là đón nhận thập giá của Chúa Giêsu. Nơi trọng tâm của Kitô giáo, có một tin đảo lộn và ngoại thường, đó là: khi bạn mất mạng sống, khi quảng đại hiến mạng sống, liều mạng khi dấn thân trong tình thương, khi hiến thân vô vị lợi cho tha nhân, thì bạn sẽ tìm lại được sự sống dồi dào, một niềm vui được đổ tràn trong tâm hồn bạn, một sức mạnh nội tâm nâng đỡ bạn.”
Đức Thánh cha kết luận rằng: “Đó là chân lý mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta khám phá, điều mà Chúa Giêsu tỏ lộ cho đất nước Mông Cổ này: không cần phải là vĩ đại, giàu sang, quyền lực mới được hạnh phúc. Chỉ tình thương mới giải khát tâm hồn, chỉ tình thương mới chữa lành các vết thương của chúng ta, mang lại cho chúng ta niềm vui đích thực”.
“Cả chúng ta hãy nghe lời Chúa nói với ông Phêrô: “Hãy lui ra sau Thầy” (Mt 16,23), nghĩa là “hãy trở nên môn đệ của Thầy, hãy đi cùng con đường Thầy đang đi và đừng suy nghĩ theo thế gian. Khi ấy, với ơn Chúa Kitô và Chúa Thánh Linh, chúng ta sẽ có thể tiến bước trên con đường tình thương. Cả khi yêu mến có nghĩa là từ bỏ chính mình, chiến đấu chống lại những ích kỷ cá nhân và trần tục, chấp nhận rủi ro sống tình huynh đệ. Vì quả thực là tất cả những điều có đòi vất vả và hy sinh, và nhiều khi có nghĩa là phải chịu thánh giá, một điều càng đúng hơn nữa, đó là khi chúng ta mất mạng sống vì Tin mừng, Chúa ban cho chúng ta sự sống dồi dào, đầy yêu thương và vui mừng, vĩnh cửu”.
Trong phần những ý nguyện phổ quát, cộng đồng đã cầu nguyện bằng tiếng Mông Cổ, Anh, Hàn Quốc, Nga và tiếng Hoa.
Lời chào cuối thánh lễ
Cuối thánh lễ, Đức Hồng y Marengo đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn Đức Thánh cha. Ngài đã tặng cho giáo đoàn địa phương một chén lễ quý giá. Đức Thánh cha cũng mời Đức Hồng y Gioan Thang Hán, nguyên Giám mục Hong Kong và Đức cha Stephano Chu thủ Nhân (Chow Sau-yan), lên đứng cạnh ngài, và cầm tay hai vị. Đức Thánh cha gửi lời chào thăm các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc và nhắn nhủ họ hãy là những tín hữu Công giáo tốt và công dân tốt.
Và trong đáp từ, Đức Thánh cha cho biết ngài thực hiện cuộc tông du này với nhiều mong đợi, với ước muốn gặp gỡ và biết anh chị em. Ngài nói: “giờ đây tôi cảm tạ Chúa vì anh chị em, vì qua anh chị em, Chúa muốn làm những điều vĩ đại trong sự bé nhỏ. Cám ơn, vì anh chị em là những tín hữu Công giáo tốt, và là những công dân lương thiện. Hãy tiếp tục, trong sự dịu dàng và không sợ hãi, cảm nhận sự gần gũi và khích lệ của toàn thể Giáo hội, nhất là cái nhìn dịu hiền của Chúa, Đấng không quên một ai, yêu thương nhìn mỗi người.”
Đức Thánh cha cũng chào thăm các anh em giám mục, các linh mục, tu sĩ nam nữ và tất cả các bạn hữu đến từ các nước, đặc biệt từ đại lục Á châu mênh mông này.... Ngài nói thêm rằng: “Tôi đặc biệt cám ơn những người đang giúp Giáo hội địa phương Mông Cổ, nâng đỡ về tinh thần và vật chất.
Đức Thánh cha không quên cám ơn Tổng thống và chính quyền Mông Cổ về sự đón tiếp nồng hậu cũng như vì tất cả những chuẩn bị đã làm. Ngài cám ơn tất cả những người đã cộng tác vào cuộc viếng thăm này, chào thăm các anh chị em thuộc các Giáo hội Kitô và tôn giáo khác.
Đức Thánh cha nhắc nhở rằng thánh lễ là lễ tạ ơn, “Eucaristia”. Cử hành thánh lễ tại đất nước này làm tôi nhớ lại kinh nguyện mà cha Pierre Teilhard de Chardin, dâng lên Thiên Chúa cách đây đúng 100 năm tại sa mạc Ordos, không xa nơi này. Cha nói: “Lạy Chúa, con phủ phục trước sự hiện diện của Chúa trong vũ trụ trở nên nồng cháy, và dưới tất cả những vẻ mà con gặp, những gì sẽ xảy ra cho con, tất cả những gì con sẽ gặp trong ngày hôm nay, con mong ước và chờ đợi Chúa”.
Cha Teilhard dấn thân trong việc nghiên cứu địa chất. Cha nồng nhiệt muốn cử hành thánh lễ, nhưng không có bánh cũng chẳng có rượu. Vì thế cha đã soạn ra “Thánh lễ trên thế giới”, dâng của lễ của cha như sau: “Lạy Chúa, xin nhận lễ vật hoàn toàn này mà thiên nhiên, do sự thu hút của Chúa, dâng lên Chúa trong bình minh mới này”.
Một kinh nguyện tương tự đã nảy sinh nơi cha khi cha ở mặt trận tại Thế chiến thứ I, trong lúc cha làm người khiêng cáng các thương binh. Vị linh mục này thường không được cảm thông, đã trực giác thấy rằng: “Thánh lễ luôn được cử hành, theo một nghĩa nào đó trên bàn thờ của thế giới” và là trung tâm của vũ trụ, trung tâm trào dâng tình yêu và sự sống vô tận” (Laudato sì 235) cả trong thời kỳ như hiện nay với những căng thẳng và chiến tranh. Vậy, chúng ta hãy cầu nguyện hôm nay với những lời của cha Teilhard: “Lạy Ngôi Lời lấp lánh, là Sức Mạnh nóng cháy, lạy Đấng tạo nên sự đa dạng để làm phong phú sự sống của Chúa, chúng con cầu xin Chúa, xin hạ đôi tay quyền năng của Chúa, đôi bàn tay ân cần và hiện diện khắp nơi của Chúa”.
Thánh lễ kết thúc khoảng 6 giờ chiều giờ địa phương, Đức Thánh cha trở về Tòa Phủ doãn để dùng bữa tối và qua đêm.