Công bố Tông sắc về Năm Thánh 2025

Trong buổi hát Kinh Chiều lễ Chúa Thăng Thiên, ngày 09 tháng Năm năm 2024, bắt đầu lúc 5 giờ 30 tại Đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh cha Phanxicô đã trao và cho công bố Tông sắc ấn định Năm Thánh thường lệ 2025 sắp tới.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hiện diện tại Đền thờ, có đông đảo các hồng y, giám mục và anh chị em tín hữu. Sau lời chào phụng vụ mở đầu, Đức Thánh cha tuyên bố trao Tông sắc về Năm Thánh cho các Hồng y Giám quản bốn Đại vương cung thánh đường Giáo hoàng ở Roma, một số đại diện của Giáo hội rải rác trên thế giới và các vị Công chứng viên Tông Tòa, để được công bố.

Tiếp đến, một trong bảy vị Công chứng viên đã đọc một vài đoạn quan trọng trong Văn kiện này.

Photo: Vatican Media

Nội dung Tông sắc

Tông sắc có tựa đề là “Spes non confudit”, Niềm hy vọng không làm thất vọng, trích từ câu thứ 5 chương 5 của thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma. Văn kiện dài mười hai trang này của Đức Thánh cha chứa đựng những lời kêu gọi cho các tù nhân, người di cư, bệnh nhân, người cao tuổi và những người trẻ đang là nạn nhân của ma túy và những vụ phạm pháp. Ngài cũng loan báo sẽ mở Cửa Năm Thánh trong một nhà tù, kêu gọi các nước giàu tha nợ cho các nước nghèo, gia tăng mức độ sinh sản, đón nhận người nhập cư và tôn trọng thiên nhiên, thành lập một ngân quỹ thế giới để xóa bỏ nạn đói, khuyến khích ngành ngoại giao dấn thân cho một nền hòa bình lâu bền. Và Đức Thánh cha cũng đặt câu hỏi: “Phải chăng là điều thái quá, khi mơ ước các võ khí ngưng gây ra tàn phá và chết chóc?”

Đi vào chi tiết hơn: Tông sắc của Đức Thánh cha được chia thành 25 đoạn, chứa đựng những lời thỉnh cầu và đề nghị. Ví dụ như: các chính phủ ân xá hoặc giảm án cho cho các tù nhân, thiết lập một Ngân quỹ thế giới, với những tiền từ võ khí, để loại trừ nạn đói. Một điều mới mẻ so với các Năm Thánh trước đây là Đức Thánh cha loan báo sẽ mở Cửa Thánh trong một nhà tù. Các tín hữu đến Roma cũng như những tín hữu cử hành Năm Thánh trong các Giáo hội địa phương được gọi là “những người lữ hành hy vọng”.

Mở và đóng Cửa Thánh ở Roma

Đức Thánh cha thông báo Năm Thánh ở Đền thờ thánh Phêrô sẽ được mở vào ngày 24 tháng Mười Hai năm nay, áp lễ Giáng sinh, để khai mạc Năm Thánh. Chúa nhật kế tiếp đó, ngày 29 tháng Mười Hai, ngài sẽ mở Cửa Thánh tại Đền thờ thánh Gioan Laterano, thánh đường này, ngày 09 tháng Mười Một tới đây sẽ mừng kỷ niệm 1.700 năm được thánh hiến. Tiếp đến, ngày 01 tháng Giêng năm 2025, Đại lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Đức Thánh cha sẽ mở Cửa Thánh tại Đền thờ Đức Bà Cả. Sau cùng, ngày 05 tháng Giêng liền đó sẽ mở Cửa Thánh tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành. Ba Cửa Thánh này sẽ được đóng lại vào Chúa nhật, ngày 28 tháng Mười Hai năm 2025. Ngày 29 tháng Mười Hai năm 2024, tại tất cả các nhà thờ chính tòa và đồng nhà thờ chính tòa trên toàn thế giới sẽ cử hành thánh lễ trọng thể khai mạc Năm Thánh. Năm Thánh này sẽ kết thúc với nghi thức đóng Cửa Thánh, tại Đền thờ thánh Phêrô, ngày 06 tháng Giêng năm 2026, Đại lễ Chúa Hiển Linh.

Các ước nguyện và đề nghị

Tông sắc của Đức Thánh cha lần lượt phản ánh thực trạng và những mong ước trước thực trạng thế giới ngày nay, đang đòi phải kiên nhẫn, như nhân đức có tính cách quyết định, vượt thắng thái độ bi quan và ngờ vực, vì Năm Thánh có thể là cơ hội để hồi sinh niềm hy vọng và cả nhân đức kiên nhẫn, nhân đức ngày nay dường như đang vắng bóng.

Trong chiều hướng đó, Đức Thánh cha kêu gọi hòa bình cho thế giới, gia tăng mức độ sinh sản, thông truyền sự sống với lòng hăng say. Ngài kêu gọi tôn trọng các tù nhân, tạo những điều kiện xứng đáng và bãi bỏ án tử hình, mang lại hy vọng cho các tù nhân và niềm phấn khởi cho người trẻ, loại bỏ mọi thành kiến và thái độ khép kín đối với những người di dân. Đức Thánh cha coi là một “gương mù” số lượng quá lớn những người nghèo trên thế giới, và ngài kêu gọi lập một Ngân quỹ thế giới để loại trừ nạn đói, tha nợ cho các nước nghèo. Đức Thánh cha cũng nhắc đến và đề cao chứng tá của các vị tử đạo, tầm quan trọng của bí tích Giải tội và kêu gọi tiếp tục công tác phục vụ của các Thừa sai lòng Thương xót.

Về việc hành hương, một yếu tố cơ bản trong Năm Thánh, ngoài các thánh đường được kính viếng theo truyền thống, Đức Thánh cha đặc biệt thêm vào đó các hang toại đạo và bảy thánh đường.

Đức Thánh cha mời gọi các Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương đã hiệp thông với người kế nhiệm thánh Phêrô, đến Roma. Các tín hữu thuộc các Giáo hội này đã chịu nhiều đau khổ và nhiều khi cho đến chết, vì lòng trung thành với Chúa Kitô và Giáo hội. “Các anh chị em này phải đặc biệt cảm thấy được chào đón tại Roma, cũng là Mẹ đối với họ, và đã giữ bao nhiêu ký ức về sự hiện diện của họ.

Đức Thánh cha kêu gọi các tín hữu hành hương khi đến Roma, cũng hãy đến cầu nguyện tại các Đền thánh Đức Mẹ để tôn kính Mẹ Thiên Chúa và khẩn cầu sự phù trợ của Mẹ hiền giữa bao nhiêu sầu muộn và khổ đau.

Và Đức Thánh cha kết luận với niềm hy vọng rằng Năm Thánh 2025 sẽ giúp tất cả mọi người “tìm được niềm tín nhiệm cần thiết, trong Giáo hội cũng như trong xã hội, nơi các tương quan giữa con người với nhau, các tương quan quốc tế, trong sự thăng tiến phẩm giá của mỗi người và tôn trọng công trình tạo dựng của Chúa”.

Photo: Vatican Media

Cử hành Kinh Chiều

Kinh Chiều được Đức Thánh cha cử hành theo các nghi thức thông thường, với sự cộng tác của Ca đoàn Sistina và cộng đoàn tín hữu.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, Đức Thánh cha đặc biệt nhấn mạnh đến chiều kích hy vọng mà mầu nhiệm Chúa Lên Trời nhắc nhở mọi tín hữu. Ngài nói: “Sự lên trời của Chúa không phải là một sự tách biệt, một sự chia cách, xa rời chúng ta, nhưng là một sự hoàn tất sứ mạng của Chúa: Chúa Giêsu xuống đến tận chúng ta để đưa chúng ta lên cùng Chúa Cha; đó là một sự đi xuống để đưa chúng ta lên cao... Điều làm nền tảng niềm hy vọng của chúng ta là: Chúa Giêsu lên trời mang trong con tim của Thiên Chúa nhân loại chúng ta đầy những mong đợi và thắc mắc, “để ban cho chúng ta niềm tín thác thanh thản rằng nơi nào có Người, là Thủ lãnh và là Trưởng Tử, thì chúng ta, trong tư cách là chi thể của Người, cũng sẽ ở đó, được hiệp nhất trong cùng vinh quang” (Xc Kinh tiền tụng lễ Thăng Thiên).

Đón nhận và loan báo hy vọng

“Niềm hy vọng ấy, chúng ta muốn cử hành, đón nhận và loan báo cho toàn thế giới, nhân dịp Năm Thánh đang đến gần. Đây không phải chỉ là một sự lạc quan phàm nhân, hoặc một sự mong đợi phù du gắn liền với an ninh trần thế, nhưng là một thực tại được viên mãn trong Chúa Giêsu và mỗi ngày cũng được ban cho chúng ta, cho đến khi chúng ta là một trong vòng tay yêu thương của Chúa”.

Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Anh chị em rất thân mến, trong khi chúng ta chuẩn bị Năm Thánh với Năm Cầu nguyện này (2024), chúng ta hãy nâng tâm hồn lên cùng Chúa Kitô, để trở thành những người ca bài hy vọng trong một thế giới có quá nhiều tuyệt vọng. Qua những cử chỉ, lời nói, với những chọn lựa mỗi ngày, với lòng kiên nhẫn, chúng ta gieo vãi một chút vẻ đẹp và sự tử tế ở tất cả những nơi nào chúng ta hiện diện. Chúng ta muốn hát lên bài ca hy vọng để âm điệu của nó làm rung động những giây âm thanh của nhân loại và thức tỉnh trong các tâm hồn niềm vui và can đảm đón nhận sự sống”.

Hy vọng cần thiết

Đức Thánh cha xác quyết rằng thế giới có nhiều điều tiêu cực hiện nay, cá nhân chủ nghĩa, thái độ mạnh ai nấy lo, và cả thiên nhiên bị thương tổn nặng nề, cũng đang cần hy vọng, giữa lúc những bất công kéo dài, chiến tranh gieo rắc chết chóc, những người rốt cùng tiếp tục đứng hàng chót và giấc mơ một thế giới huynh đệ có nguy cơ biến tan như ảo ảnh: do vậy, niềm hy vọng cần thiết hơn bao giờ hết. Giáo hội cũng đang cần vì đang cảm nghiệm những gánh nặng của cơ cực và mong manh. Mỗi người chúng ta cũng đang cần hy vọng: cuộc sống của chúng ta nhiều khi cũng vất vả và thương tổn, tâm hồn khao khát chân, thiện, mỹ.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, xin Chúa đã sống lại và lên trời ban cho chúng ta ơn tái khám phá hy vọng, loan báo hy vọng, xây dựng hy vọng”.

(Sala Stampa 9-5-2024)

Trực tiếp

Livesteam thumbnail