Trung Quốc trước sự qua đi của Đức Thánh cha Phanxicô

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Quách Gia Côn (Guo Jiakun) | Global Times
Trả lời câu hỏi của một ký giả, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Quách Gia Côn (Guo Jiakun), nói rằng: “Trung Quốc chia buồn về sự qua đời của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Vatican đã duy trì những mối quan hệ xây dựng và có những trao đổi hữu ích. Trung Quốc sẵn sàng cộng tác với Vatican để thăng tiến liên tục quan hệ giữa hai bên”.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hãng tin Asia News của Hội thừa sai Pime ở Milano, truyền đi từ bắc Ý ngày 22 tháng Tư vừa qua, nhận định rằng ông Quách Gia Côn không đi xa hơn câu trả lời như thế, đối với sự qua đi của Đức Phanxicô, vị Giáo hoàng hơn các vị tiền nhiệm đã giơ tay ra đối với Cộng hòa nhân dân Trung Quốc với việc ký kết hiệp định tạm thời hồi năm 2018, về việc bổ nhiệm các giám mục tại Hoa lục và hiệp định đã được gia hạn ba lần, lần chót hồi tháng Mười năm ngoái, không kể bao nhiêu lần ngài đã có những cử chỉ quan tâm đối với Trung Quốc và nhân dân nước này.

Qua câu trả lời đó, Bắc Kinh, ít là trong lúc này, dường như không tỏ ra sẵn sàng đi xa hơn những quan hệ giữa hai nước, trong tương quan với Tòa Thánh. Tuyên ngôn này, đối với nhà nước Trung Quốc, đây chỉ là sự qua đời của một nhân vật nổi bật của một quốc gia có chủ quyền, chứ không phải là một nhân vật lãnh đạo tinh thần của bao nhiêu tín hữu ở Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, người mà họ cảm thấy là điểm tham chiếu của họ.

Hãng Asia News cũng gợi lại sự kiện cách đây hơn hai năm, khi Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI qua đời, trên trang mạng của Hội Công giáo yêu nước Trung Quốc (chinacatholich.cn), cơ quan do nhà nước Bắc Kinh kiểm soát, có đăng hình của Đức Cố Giáo hoàng kèm theo hàng chữ: “Chúng ta hãy phó thác Đức Biển Đức XVI cho lòng thương xót của Thiên Chúa và xin Chúa ban cho người ơn an nghỉ ngàn thu trên thiên đàng”.

Lần này, hơn một ngày sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời, người ta không thấy phản ứng nào từ phía Hội Công giáo yêu nước Trung Quốc. Cũng vậy, đối với các trạng mạng của các giáo phận ở Hoa Lục: ví dụ trang mạng của Giáo phận Thượng Hải, được cập nhật ngày 22 tháng Tư, chỉ có những chỉ dẫn về cuộc hành hương thường niên tại Đền thánh Đức Mẹ Tắc San (Sheshan) trong tháng Năm sắp tới. Không có dấu hiệu vì đề cập đến sự qua đời của Đức Thánh cha Phanxicô.

Sự im lặng đó không phải vì tại Trung Quốc cấm nói về Đức Giáo hoàng. Thực vậy, trang mạng “Tín Đức” (Xinde) tiếp tục phổ biến tại Trung Quốc những tin về Vatican và các tín hữu cũng bày tỏ lòng quý mến của họ đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Nhưng nhân danh sự “Hoa hóa” (Sinicizzazione) chủ trương tiếp định khẳng định sự độc lập của Giáo hội tại Trung Quốc, nơi các kênh chính thức không được phép công khai nói về sự qua đời của vị chủ chăn Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Đàng khác, trong vài ngày nữa, từ ngày 01 tháng Năm sắp tới, bắt đầu có hiệu lực quy luật mới về các hoạt động tôn giáo của người nước ngoài ở Trung Quốc, trong đó có cả điều khoản cấm sự hiện diện của các tín hữu người Hoa và những tín hữu nước ngoài trong cùng một buổi lễ.

Dưới ánh sáng tất cả những điều trên đây, chúng ta hãy chờ xem đâu sẽ là những chọn lựa của nhà nước Bắc Kinh về lễ an táng Đức Giáo hoàng Phanxicô, sáng thứ Bảy, ngày 26 tháng Tư sắp tới. Hồi năm 2005, khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời, Trung Quốc không gửi phái đoàn nào vì không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh và có sự hiện diện của phái đoàn Đài Loan. Cả trong trường hợp lễ an táng Đức Giáo hoàng Phanxicô, Đài Loan, vốn có Đại sứ quán cạnh Tòa Thánh, đã loan báo sẽ gửi phái đoàn chính thức đến tham dự. Nhưng cần chờ xem là các giám mục ở Hoa Lục thế nào, các vị đã được phép tham dự Thượng Hội đồng Giám mục. Nay nếu có sự hiện diện của các giám mục Trung Quốc, thì đó sẽ là một con đường đơn giản nhất để chứng tỏ rằng điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô mong muốn là một hành trình mà cả Bắc Kinh cũng thực sự muốn tiếp tục.

(Asia News 22-4-2025)