Thượng Hội đồng Giám mục: Đa số bác bỏ đề nghị công nhận thẩm quyền của Hội đồng Giám mục Miền về đạo lý

Photo: Vatican Media
Tại Thượng Hội đồng Giám mục đang tiến hành ở Roma, đề nghị tản quyền về địa phương để cho các Hội đồng Giám mục quốc gia và miền được một số thẩm quyền về đạo lý, đã bị đa số phê bình.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Theo cuộc họp báo, trưa ngày 16 tháng Mười vừa qua, các đại biểu của các nhóm ngôn ngữ khác và thuộc các vùng địa lý khác nhau đã bày tỏ lo âu về đề nghị tản quyền vừa nói.

Thật ra, vấn đề thẩm quyền của các Hội đồng Giám mục về đạo lý đã được bàn luận từ lâu: những người bênh vực sự tản quyền thì cho rằng cần đặt đạo lý của Giáo hội trong bối cảnh địa phương, trình bày và thích ứng đạo lý làm sao để các tín hữu hiểu và sống đạo lý Công giáo. Nhưng những người phê bình lập trường này thì nói rằng dành quá nhiều quyền giải thích đạo lý cho mỗi địa phương có thể đưa tới những sai lệch và ngộ nhận.

Hồi tháng Năm năm 1998, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã công bố hai văn kiện, trước tiên là Tự sắc: “Apostolos Suos” kèm theo Tông thư “Ad Tuendam Fidem”, Để bảo vệ đức tin, cất đi thẩm quyền giáo huấn khỏi các Hội đồng Giám mục, kể cả thẩm quyền về đạo lý.

Một thành viên Thượng Hội đồng Giám mục hiện nay nói với trang mạng NcRegister.com, ở Mỹ rằng mức độ chống đối đề nghị tản quyền đạo lý này rất lớn: đại đa số các thành viên chống lại đề nghị tản quyền nói trên. Một thành viên nói rằng: “Một đức tin bị phân hóa có nghĩa là một Giáo hội bị phân hóa”.

Về phần Đức Tổng giám mục Anthony Fisher, Dòng Đa Minh, Tổng giám mục Giáo phận Sydney, Australia, ngài nói với Đài truyền hình “Lời Vĩnh Cửu” (EWTN) ở Mỹ rằng: “Giáo hội không thể tái sáng chế đức tin Công giáo” hoặc “giảng dạy một đạo Công giáo khác nhau tùy, theo mỗi nước”.

(Tổng hợp 17-10-2024)

Tags