Quân Nga chiếm hữu tài sản của Giáo hội tại vùng chiếm đóng
Tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” ở thành phố Munich bên Đức, hôm 20 tháng Hai vừa qua, đã tố giác rằng tại những vùng chiếm đóng ở Ucraina, quân Nga chiếm hữu tài sản của Giáo hội Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Tổ chức bác ái này trích thuật thông tin của Đức Tổng giám mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ của Ucraina nghi lễ Đông phương. Ngoài ra, quân Nga cũng ban hành sắc lệnh đặc biệt cấm Giáo hội này không được hoạt động, như tại miền Donetsk, mạn đông Ucraina, giáp giới với Nga, các nhà thờ bị đóng cửa và tịch biên. Vùng này không còn linh mục Công giáo nào nữa.
Đức Tổng giám mục trưởng Shevchuk nói: các gia đình bị chấn thương vì chiến tranh kéo dài. “Theo tin của Ucraina, có 20.000 trẻ em bị quân Nga bắt sang Nga và 35.000 quân Ucraina bị mất tích. Đời sống gia đình họ chịu đau khổ trường kỳ. Mỗi khi có cuộc trao đổi tù binh giữa Nga và Ucraina, mà họ không thấy chồng trở về, nỗi khổ đau của họ càng lớn hơn”. Phần lớn các gia đình Ucraina bị phân ly vì người chồng phải ra chiến trường, và vợ con họ phải rời bỏ thành phố hoặc bỏ nước ra đi. Con số những gia đình chia ly chưa bao giờ lên cao như vậy, kể từ khi Ucraina được độc lập.
Đức Tổng giám mục Visvaldas Kulbokas, người Lituani, Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina, cho biết những binh sĩ Ucraina, trở về nước sau thời gian bị quân Nga cầm tù, thường không thể kể lại những gì họ đã trải qua. “Đối với những người ở nước ngoài, thật là khó tưởng tượng nổi những gì đang xảy ra ở đây”.
Bà Regina Lynch, Chủ tịch tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, giải thích rằng, Ucraina đang sống con đường khổ giá của mình. Vì thế, thật là điều quan trọng khi tiếp tục nâng đỡ nhân dân nước này. Khoảng bảy triệu người Ucraina đang chịu cảnh thiếu thốn lương thực, đặc biệt là những người ở cách mặt trận khoảng 50 cây số.
Tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” dấn thân hỗ trợ các chủng sinh, linh mục và và nữ tu Ucraina đang nỗ lực săn sóc những người bị trục xuất và sống trong tình trạng nghèo đói. Họ cũng góp phần chữa lành chấn thương cho các binh sĩ và gia đình họ. Ngoài ra, họ cũng hoạt động trong việc săn sóc giới trẻ và gia đình. Từ đầu chiến tranh ở Ucraina, hồi tháng Hai năm 2022 đến nay, cơ quan bác ái Công giáo quốc tế này đã tài trợ hơn 600 dự án tại đây, trong đó có cả các dự án săn sóc về tâm lý và tinh thần, tài trợ các trại hè cho trẻ em.
(KAP 20-2-2024)