Phúc trình thứ 18 của tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”

Burkinabé soldiers patrol in Ouagadougou after the January 2022 coup. | Credit: VOA News (public domain)
Theo Phúc trình thứ 18 của “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, các tín hữu Kitô bị bách hại hơn bao giờ hết.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Phúc trình công bố hôm 22 tháng Mười vừa qua, đặc biệt trình bày tình trạng các Kitô hữu tại 18 quốc gia trên thế giới, trong đó việc tuyên xưng đức tin có thể khiến cho Kitô hữu có thể vào tù hoặc mất mạng sống, và những vụ này không những chỉ có ở những vùng đa số Hồi giáo hoặc Trung Quốc, nhưng cả tại Nicaragua, dưới chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega.

Trong phúc trình, với tựa đề “Bị bách hại hơn bao giờ hết. Phúc trình về các Kitô hữu bị áp bức vì đức tin của họ: 2022-2024”, trong số 18 nước bị tố giác đích danh, có 11 nước Á châu, 6 nước Phi châu và 1 nước Trung Mỹ. Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” nhận xét rằng tại hơn 60 các nước được cứu xét, những vụ vi phạm các quyền con người gia tăng đáng kể so với thời kỳ 2020-2022 trước đó.

Xu hướng gia tăng trên đây cũng được các tổ chức nghiên cứu khác xác nhận. Ví dụ, tổ chức “Pew Research Center” ở Mỹ, trong phúc trình mới nhất, đã tố giác những hình thức bách hại - từ sự lăng mạ cho đến sát hại - tại 160 nước, và tổ chức “Open Doors”, Mở các cánh cửa, cho biết tại 50 nước, trong đó thật khó sống nếu là Kitô hữu, và nhắc đến mức độ bách hại cao độ tại 11 trường hợp, và rất cao trong tất cả các trường hợp khác.

Nói một cách tổng quát, Tổ chức “Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ” là một tổ chức bác ái quốc tế thuộc quyền Đức Giáo hoàng với sứ mạng nâng đỡ các tín hữu Kitô bị bách hại và những nhu cầu của họ, bằng lời cầu nguyện, bằng hành động và thông tin. Tổ chức này nhận xét, có bốn xu hướng lớn về bách hại.

Bốn xu hướng

Trước tiên có sự di chuyển từ Trung Đông sang Phi châu, với trọng tâm là bạo lực do các nhóm thánh chiến Hồi giáo. Hiện nay, khoảng 20 trên 54 nước Phi châu, có những nhóm võ trang liên kết với lực lượng al Qaeda hoặc Nhà nước Hồi giáo ISIS. Chúng thực hiện những vụ khủng bố và tại một số nước chúng trấn đóng, kiến tạo những căn cứ hoạt động và thậm chí thiết lập những khu vực hoàn toàn do chúng kiểm soát.

Xu hướng thứ hai là tại một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, Eritrea bên Phi châu, Ấn Độ, Iran, có sự gia tăng thù nghịch đối với các tín hữu Kitô. Họ bị coi như kẻ thù và như những kẻ phản quốc, và bị dân chúng chỉ tay như thế. Thái độ đó đưa tới sự gia tăng những vụ đàn áp đối với Kitô hữu và các tín hữu Kitô không được gia nhập các tổ chức chính quyền, như cảnh sát và tòa án, các cơ quan này lơ là không muốn hoặc do dự trong việc bảo vệ các công dân tín hữu Kitô.

Xu hướng thứ ba là tại một số nước, chính quyền cũng như dân chúng không Kitô lợi dụng những luật hiện hành, ví dụ tại các nước hồi giáo trừng phạt nghiêm khắc những người phạm thượng chống Hồi giáo. Trong nhiều trường hợp, họ bị kết án tử hình, và dư luận quần chúng nói chung thiếu kiên nhẫn hơn trong việc cáo buộc các tín hữu Kitô thiếu tôn trọng Hồi giáo và thường bạo động mạnh mẽ tấn công họ.

Xu hướng sau cùng được ghi nhận là sự gia tăng những đe dọa các trẻ vị thành niên Kitô, đặc biệt là các trẻ nữ, các em bị bắt cóc, cưỡng hiếp, cưỡng bách theo Hồi giáo và phải kết hôn.

Tổ chức bác ái Công giáo quốc tế cũng lưu lý về tình trạng các Kitô hữu tại 12 nước, trong đó có 12 nước Á châu. Tại Syria, hồi đầu chiến tranh 2011, có một triệu 500.000 Kitô hữu, nhưng ngày nay có lẽ chỉ còn 250.000 người. Myanmar, từ thời nội chiến năm 2021, sau cuộc đảo chánh của giới quân phiệt, quân đội chính phủ đã phá hủy hơn 200 nơi thờ phượng, trong đó có 85 nhà thờ của Kitô giáo, làm cho hàng chục ngàn tín hữu Kitô không được chăm sóc mục vụ, buộc họ và các giáo sĩ cũng như giáo dân tị nạn đi các nơi khác.

(Nuova Bussola quotidiana 23-10-2024)