Phúc trình của Caritas: Năm mươi hai cuộc xung đột trên thế giới

10 April 2024, Khan Younis, Gaza Strip. | foto: Ocha/Themba Linden
Theo Phúc trình thứ tám của tổ chức bác ái Caritas Ý, công bố hôm 09 tháng Mười Hai vừa qua ở Roma, về các cuộc xung đột bị lãng quên trên thế giới, hiện có năm mươi hai nước sống trong tình trạng các cuộc xung đột võ trang, trong đó có bốn cuộc xung đột cao độ.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

So với năm ngoái, con số nước ở trong tình trạng này giảm ba nước, nhưng vẫn luôn luôn là những cuộc chiến tranh ngày càng trầm trọng và tàn ác, số người chết tăng lên 170.000 người, mức độ cao nhất kể từ năm 2019 đến nay. Con số trẻ em và khuyết tật bị thiệt mạng cũng lên tới mức kỷ lục gần 11.650 em trong năm 2023, tức là tăng 35% so với năm trước đó. Ngoài ra, số trẻ em bị bắt cóc cũng lên tới mức cao nhất trong lịch sử, đó là 4.356 em trong năm ngoái (2023).

Ngoài ra, chi phí quân sự thế giới cũng đạt tới mức kỷ lục là 2.443 tỷ Mỹ kim và lần đầu tiên gia tăng tại tất cả các đại lục, theo con số của Viện SIPRI ở Thụy Điển, chuyên về vấn đề này.

Hiện nay, có bốn cuộc xung đột vũ trang ở cường độ cao nhất, với hơn 10.000 người chết, đó là chiến tranh giữa Israel và Hamas, giữa Nga và Ucraina, nội chiến tại Myanmar và tại Sudan. Ngoài ra, có hai mươi cuộc chiến tranh ở cường độ cao, tức là có số người chết từ một ngàn đến 9.999 người, tăng thêm ba cuộc chiến tranh so với năm 2022 trước đó.

Phúc trình của Caritas Ý cũng cho biết hiện có ít hơn các chiến dịch và các nhân viên kiến tạo hòa bình. Năm 2023, có 63 chiến dịch đa phương nhắm kiến tạo hòa bình, tức là giảm một chiến dịch, trong số các hoạt động này có một phần ba do Liên Hiệp Quốc phối hợp, với gần 157.000 nhân viên thường dân và quân nhân, dấn thân trong các chiến dịch bình định.

Riêng về tình trạng chiến tranh ở Ucraina: Phúc trình cho biết hồi tháng Hai năm 2022, có 1.682 cuộc tấn công sức khỏe của các trẻ vị thành niên, gây thiệt hại cho các nhân viên y tế, cơ cấu, kho hàng, xe cứu thương, và hơn ba ngàn cuộc tấn công các cơ sở giáo dục, làm cho năm triệu 300.000 trẻ em Ucraina không được những điều kiện giáo dục trong an ninh.

Hiện có gần 300 triệu người sống nhờ các viện trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, theo cơ quan nhân đạo gọi là OCha, trong số này có hơn 74 triệu người ở Đông và Nam Phi châu. Chiến tranh tại Sudan trong năm ngoái, khiến cho 15,8 triệu người cần được trợ giúp nhân đạo và năm nay, con số đó tăng lên 30 triệu người, trong đó có 3,5 triệu là trẻ em.

(Sir 9-12-2024)

Tags