Ngoại trưởng Tòa Thánh tố giác vi phạm tự do tôn giáo

Photo: Vatican News
Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, tố giác các vụ vi phạm tự do giáo: gần bốn tỷ 900 triệu người đang sống tại những nước có những vụ vi phạm tự do căn bản này, hoặc trầm trọng hoặc rất trầm trọng.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Tổng giám mục bày tỏ lập trường trên đây, trong bài thuyết trình tại Hội nghị do Đại sứ quán của Hội Hiệp sĩ Malta cạnh Tòa Thánh, tọa lạc trên đồi Aventino, tổ chức hôm mùng 05 tháng Sáu vừa qua, về đề tài: “Tự do tôn giáo và sự phát triển nhân bản toàn diện”. Cộng tác vào việc tổ chức có Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), cùng với bốn đại học Âu Mỹ và cả Đại học Giáo hoàng Urbaniana ở Roma.

Đức Tổng giám mục Gallagher nhấn mạnh rằng “Sự vi phạm quyền tự do tôn giáo không những làm thương tổn một nhân quyền nhưng toàn bộ các quyền khác của con người... Về vấn đề lương tâm, cũng cần để ý rằng các tín hữu Kitô là những người dễ bị tổn thương nhất về tự do tôn giáo. Hơn 365 triệu người, tức là cứ bảy người thì có một Kitô hữu bị bách hại vì đức tin. Những vụ tấn công các nhà thờ và tài sản của Kitô gia tăng đáng kể trong năm ngoái (2023). Đó là con số đáng để ý, đặc biệt nếu để ý rằng chỉ một vụ vi phạm một quyền con người thì đã là điều trầm trọng chưa từng có.

Đàng khác, nhiều nước ở Bắc Âu và Bắc Mỹ ngày càng có xu hướng bỏ lập trường trung lập về vũ trụ quan, để theo đuổi ý thức hệ cấp tiến. Do đó, nhà nước tự xác định đâu là những ý kiến chân chính và đâu là những ý kiến “sai trái, rối đạo”, và tình trạng này thường bao gồm cả các xác tín tôn giáo.

Đức Tổng giám mục Gallagher nêu ví dụ chính sách về gender, giống, và những luật lệ do nhiều chính phủ ban hành về các quyền sinh sản. Ở đây, những người xác tín tôn giáo mà có ý kiến khác thì bị gạt ra ngoài lề và bị coi như những người lạc đường. Tình trạng này cũng đe dọa tự do tôn giáo.

Theo Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế từ nay coi các tôn giáo như thành phần của vấn đề, chứ không phải thành phần của giải pháp. Quan niệm này cần phải thay đổi. Nếu vài cộng đoàn tôn giáo rút lui vào một ghetto trước sự đố kỵ, thì đó là điều dễ hiểu, nhưng không hữu ích. Các cộng đoàn tôn giáo phải chứng tỏ mình sẵn sàng thi hành công việc của mình, phục vụ cho công ích được nhìn nhận và quí chuộng.

Trong khuôn khổ hội nghị, đã có hai cuộc thảo luận bàn tròn giữa các tham dự viên về những gì cần thực hiện để thăng tiến tự do tôn giáo trên mọi cấp độ, cùng với sự phát triển toàn diện con người, đặc biệt là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, hoặc bị lãng quên, cách riêng liên quan đến hoạt động của các xí nghiệp lớn.

(Avvenire, Vatican News 6-6-2024)