Đức Hồng y Quốc vụ khanh nói về một số vấn đề thời sự

Đức Hồng y Pietro Parolin | © Teresa Tseng Kuang Yi
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, lấy làm tiếc vì sự vắng mặt của Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình Ucraina, tại Thụy Sĩ, trong hai ngày 15 và 16 tháng Sáu vừa qua.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Hồng y bày tỏ lập trường này với giới báo chí, khi đến Thượng viện Ý, hôm 19 tháng Sáu vừa qua, để tham dự cuộc hội thảo do Hiệp hội “Đoàn luật sư trong sứ mạng” tổ chức với sự tham dự của nhiều đại biểu quốc hội Ý.

Đáp câu hỏi của giới nhà báo bên lề cuộc hội thảo, Đức Hồng y Parolin nhận định rằng Hội nghị hòa bình vừa qua ở Thụy Sĩ, tuy hữu ích, nhưng có một giới hạn, như nhiều diễn giả đã nêu nhận xét, là vì thiếu sự hiện diện của Nga. Hòa bình luôn được thực hiện cùng với nhau. Đức Hồng y nói: “Tôi đã nghe nhiều người nói: chúng tôi không có chiến tranh với Nga, nhưng chúng tôi đến dự Hội nghị ở Thụy Sĩ này để tìm kiếm một con đường tiến tới hòa bình giữa Nga và Ucraina, một nền hòa bình công chính, nghĩa là dựa trên các nguyên tắc của công pháp quốc tế và nghiêm túc tôn trọng Hiến chương của Liên Hiệp Quốc. Thêm vào đó, có nguyên tắc tình huynh đệ, đây là một nguyên tắc ở ngoài phạm vi pháp lý, nhưng cũng có những ứng dụng cụ thể trong các hệ thống pháp luật. Nếu chúng ta không cố gắng cảm thấy như anh chị em với nhau trong thế giới ngày, thì chúng ta sẽ không bao giờ vượt thắng được các xung đột”.

Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng lấy làm tiếc vì sự thiếu tín nhiệm nhau và ngài nói rằng: “Một vấn đề lớn ngày nay là các tổ chức quốc tế rất ít hoặc không hoạt động tốt, vì sự thiếu tín nhiệm nhau giữa các nước. Do các nước không tín nhiệm nhau, nên vì thế có những kho võ khí quy ước, và nhất là các kho võ khí hạt nhân, gia tăng. Mỗi nước đều muốn chắc chắn có thể tự vệ đứng trước các nước khác, vì không tin tưởng nhau nữa và không còn có khả năng có những tương quan dựa trên hòa bình và tôn trọng”.

Đức Hồng y Parolin cũng xác quyết rằng “Đàng sau võ khí có những mối lợi kinh tế lớn, như Đức Giáo hoàng đã nhiều lần nói đến. Những lời đó, trước các chính phủ và các đảng phái chính trị dường như là nói với những người điếc, vì chính các tiêu chuẩn thị trường hướng dẫn các nhóm và các chính phủ. “Điều hợp lý là Đức Giáo hoàng có thể kêu gọi ngưng sự lan tràn võ khí, nhưng lời kêu gọi ấy chắc chắn không được lắng nghe. Dầu vậy, Đức Giáo hoàng vẫn can đảm và ngài tiếp tục nhấn mạnh điều đó. Đó là đề tài ngài lặp đi lặp lại và chúng tôi hy vọng dần dần tiếng kêu của ngài được lắng nghe”.

Trả lời câu hỏi về cuộc tranh luận giữa các đảng phái chính trị Ý, liên quan tới việc gửi võ khí cho Ucraina, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhấn mạnh rằng: “Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là họp nhau và bắt đầu nói với nhau mà không đặt điều kiện, và khi ấy chúng ta cũng có thể ngưng gửi võ khí. Nhưng trước đó, có một giai đoạn phải vượt qua, đó là làm sao khởi sự các cuộc thương thảo giữa hai phe (Nga và Ucraina), dù là dưới hình thức kín đáo. Hai bên cần bắt đầu nói với nhau! Chắc chắn là hòa bình phải có hai bên can dự, nếu không có ai thì cũng chẳng có hòa bình!”

Viếng thăm Liban

Đức Hồng y Parolin cũng xác nhận tin của giới báo chí nói là ngài sẽ viếng thăm Liban, vào cuối tháng Sáu này và nói rằng: “Đây không phải là một cuộc viếng thăm ngoại giao, cũng chẳng phải là một sứ vụ hòa bình ở Thánh địa, xét vì những căng thẳng hiện nay với Israel dường như thay đổi trục xung đột ở Trung Đông. “Từ ít lâu nay, tôi đã được Hội Hiệp sĩ Malta ở Liban mời viếng thăm các hoạt động của họ, vốn có một ảnh hưởng lớn về mặt xã hội, trong một tình trạng khủng hoảng hoàn toàn ở Liban. Cuộc khủng hoảng Liban là một cuộc khủng hoảng hoàn cầu và chắc chắn chúng tôi cố gắng làm việc một chút, như ngành ngoại giao Tòa Thánh vẫn luôn làm, để giúp tìm ra một giải pháp về cơ chế”.

Đức Hồng y Quốc vụ khanh minh xác rằng chương trình cuộc viếng thăm của ngài tại Liban đã được hoạch định trước và không liên hệ tới những đe dọa một cuộc tấn công của Israel chống Liban, nơi có những lực lượng Hezbollah thân Iran, pháo kích vào Israel.

Theo các cơ quan truyền thông ở Liban, Đức Hồng y Parolin sẽ viếng thăm Liban, từ Chúa nhật ngày 23 đến thứ Năm, ngày 27 tháng Sáu tới đây. Ngài sẽ cử hành thánh lễ tại Đại học thánh Giuse, nhân dịp này có buổi trình bày một dự án nông nghiệp do Hội Hiệp sĩ Malta bảo trợ. Dĩ nhiên, Đức Hồng y sẽ có những cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo Công giáo Liban, bắt đầu từ Đức Hồng y Thượng phụ Béchara Rai của Công giáo Maronite, cũng như gặp Thủ tướng lâm thời và Chủ tịch Quốc hội nước này. Từ tháng Mười năm 2022 đến nay, Liban vẫn chưa có tổng thống vì các đảng phái trong quốc hội không thỏa thuận được với nhau, sau khi Tổng thống Michel Aoun mãn nhiệm kỳ.

(Vatican News 20240620; Fides 19-6-2024)