Đức Hồng y Pizzaballa: Giải pháp hai quốc gia hiện nay ở Thánh địa là điều không thực tế

Trả lời câu hỏi của giới báo chí ở Roma, hôm 21 tháng Mười vừa qua: các tín hữu Kitô ở nước ngoài có thể làm gì cho Thánh địa, Đức Hồng y Pizzaballa trả lời: xin cầu nguyện và hỗ trợ, giúp đỡ cộng đoàn Kitô tại Thánh địa bao nhiêu có thể.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Hồng y cũng nói với phái viên Colm Flynn của Đài truyền hình “Lời Vĩnh Cửu” (EWTN) ở Mỹ, rằng hiện nay nói về giải pháp hai quốc gia cho hai dân tộc Israel và Palestine để chấm dứt chiến tranh giữa Israel và Hamas tại Thánh địa, là điều không thực tế. Cảm tưởng của tôi là không ai muốn một cuộc xung đột được mở rộng hơn, nhưng không ai có thể ngưng cuộc xung đột đó. Nay bạn cần một cái gì mới, có tính chất sáng tạo hơn, tôi không biết cái đó là gì; nhưng tất cả những hiệp định trước đây, những ý tưởng, viễn tượng giải pháp hai quốc gia, mọi sự đó bây giờ không thực tế”.

Đức Hồng y Thượng phụ Công giáo Latinh ở Jerusalem nhắc lại rằng chiến tranh giữa Hamas và Israel bắt đầu từ ngày 07 tháng Mười năm ngoái, là giai đoạn tệ nhất mà dân chúng tại Thánh địa phải chịu trong 35 năm gần đây: không những vì bạo lực... nhưng còn vì tỷ lệ, ảnh hưởng và cả ảnh hưởng tâm lý trên dân chúng, người Israel cũng như Palestine, và nay tại Liban, thật là kinh khủng!”.

Tiếp theo cuộc tấn công chết chóc của Hamas vào Israel, ngày 07 tháng Mười năm ngoái, Israel đáp trả bằng cuộc hành quân rộng lớn ở Gaza và có liên hệ tới cả Iran lẫn Liban.

Năm ngoái, Đức Thánh cha Phanxicô thường kêu gọi ngưng chiến và chấm dứt chiến tranh tại Thánh địa, đặc biệt, trong buổi đọc kinh Truyền tin và tiếp kiến chung. Ngày 17 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh cha tiếp các cựu bộ trưởng của Israel tại Vatican và thảo luận về tình hình.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Flynn, Đức Hồng y Pizzaballa cảm thấy lo âu về ngôn ngữ oán ghét ở mọi nơi. Đức Hồng y nói: “Thật là điều kinh khủng. Và mối lo của tôi không phải vì chiến tranh cho bằng tình trạng như vậy: chiến tranh không phải là vô tận; nó sẽ chấm dứt, như mọi cuộc chiến, nhưng điều sau đó, hậu quả của nó sẽ kinh khủng”.

Về các cuộc thương thuyết phải diễn ra để đạt tới hòa bình, Đức Hồng y nói: “Tôi không nghĩ là Giáo hội phải tham gia những điều đó. Tốt hơn Giáo hội đứng ngoài... Vì nếu vào trong, thì Giáo hội sẽ không còn tự do nữa. Sức mạnh của Giáo hội phải là một tiếng nói, tiếng nói của người nghèo”.

Đức Hồng y nói thêm rằng: Mỗi người có phận vụ của mình, có nghĩa là các nhà chính trị phải tìm một viễn tượng chính trị và các vị lãnh đạo tôn giáo phải giúp dân chúng tìm được hy vọng... Hòa bình là một thái độ, chứ không phải chỉ là một hiệp định”.

Tuỵ nhiên, Đức Hồng y nhận xét rằng: “Đứng trước tình thế hiện nay, nói về hòa bình là điều không thực tế. Trước tiên là nói về ngưng chiến để ngưng mọi bạo lực... để tìm giới lãnh đạo mới với một viễn tượng chính trị, và cả các vị lãnh đạo tôn giáo, và lúc đó bạn có thể nghĩ đến một viễn tượng mới cho Trung Đông, chứ không phải trước đó”.

Về vấn đề nạn đói được dùng như võ khí chiến tranh, Đức Hồng y lấy làm tiếc, vì điều đó đang xảy ra ở Gaza và ngài nhận xét rằng viện trợ nhân đạo của các tổ chức quốc tế không đủ để chăm sóc hai triệu người dân ở Gaza”.

(ncr.register.com 21-10-2024)