Chủ tịch Phong trào Focolari nói về hòa bình tại Trung Đông
Chủ tịch Phong trào Focolari, Tổ Ấm, là chị Margaret Karram, tuyên bố rằng hòa bình tại Trung Đông chỉ có thể đạt được nhờ đối thoại và sự hỗ trợ của quốc tế. Chị nói: “Đối thoại là phương thế hữu hiệu nhất để đạt tới sự củng cố hòa bình, dù trong những hoàn cảnh tuyệt vọng nhất”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Chị Karram là một tín hữu Công giáo người Arập-Palestine, xuất thân từ thành phố cảng Haifa ở Israel. Chị có bằng Tiến sĩ về Do thái học, và hồi cuối tháng Mười Một vừa qua, được Đức Thánh cha bổ nhiệm làm thành viên Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Chị cũng là thành viên của Thượng Hội đồng Giám mục Kỳ thứ XVI. Cách đây hai năm, chị được bầu làm Chủ tịch Phong trào Tổ Ấm. Có 140.000 thành viên trên thế giới và khoảng năm triệu người hỗ trợ trên thế giới. Họ theo linh đạo hiệp thông của Phong trào. Hiện nay, Phong trào này đang kỷ niệm 80 năm thành lập, do chị Chiara Lubich, người Ý, sáng lập.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Đức KNA trong những ngày qua, chị Karram nói: “Đối thoại chắc chắn đòi nhiều thời gian và kiên nhẫn, nhưng mở ra không gian cho tha thứ và hòa giải. Vì nếu không có những điều này thì sẽ không có hòa bình đích thực. Vì thế, sớm muộn gì chúng ta cũng phải ngồi vào bàn hội nghị và cộng đồng quốc tế cần can thiệp để tìm một giải pháp”.
Chị Karram nhấn mạnh rằng, giống như Đức Thánh cha Phanxicô, chị hoàn toàn ủng hộ các nạn nhân cuộc xung đột: “Tôi không muốn đứng về phe nào, vì chiến tranh không bao giờ có thể là giải pháp. Chiến tranh mang lại các nạn nhân, chết chóc và là sự thất bại lớn nhất của nhân loại”.
Đứng trước những diễn biến ở Thánh địa, từ sau cuộc tấn công khủng bố ngày 07 tháng Mười vừa qua của Hamas chống Israel và những cuộc trả đũa khốc liệt của Israel tại Gaza, chị Karram nói: “Tôi tự hỏi phải chăng còn ý nghĩa hy vọng một tương lai hòa bình hay là nhân loại đang bị quỷ ám. Tôi luôn coi quê hương tôi, Thánh địa, như là nơi Chúa Kitô đã sinh ra và sống. Và ngày nay càng ngày tôi càng nhận thấy Thánh địa cũng là nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và Ngài tiếp tục còn bị đóng đinh, đứng trước những kinh hoàng chúng ta cảm nghiệm”. Nhưng Thánh địa cũng là nơi Chúa sống lại. Vì thế, tôi muốn tiếp tục vun trồng và nuôi dưỡng hy vọng rằng phục sinh cũng sẽ đến với các đất nước này”.
Trong một cuộc thăm dò mới đây, 47% những người Arập ở Israel tin rằng câu trả lời quân sự của Israel đối với cuộc khủng bố ngày 07 tháng Mười vừa rồi của Hamas có thể biện minh được, trong khi đó 44% không có ý kiến. 50% tin rằng cuộc tấn công của Hamas không góp phần vào việc giải quyết vấn đề Palestine, tuy rằng có 21% có ý kiến ngược lại.
(Ekai.pl 5-12-2023)