Bộ Ngoại giao Mỹ: Mỗi ngày có hàng triệu nạn nhân nạn buôn người
Theo Phúc trình mới của Bộ Ngoại giao Mỹ, mỗi ngày trên thế giới có hàng triệu nạn nhân của nạn buôn người, cưỡng bách lao động và bị khai thác tình dục.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trong năm 2021, có 27 triệu 600.000 người trên thế giới bị cưỡng bách lao động, theo phúc trình hồi tháng Chín năm ngoái (2022), với tựa đề “Cưỡng bách lao động và cưỡng bách kết hôn” theo tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hiệp Quốc và tổ chức thế giới về di dân của Liên Hiệp Quốc, cũng như của tổ chức “Bước đi tự do (Walk Free Foundation) có trụ sở tại Australia.
Theo phúc trình chung này, có 17 triệu 30.000 người bị cưỡng bách lao động, sáu triệu 300.000 người bị bóc lột tình dục, ba triệu 900.000 người bị nhà nước cưỡng bách lao động bất kỳ ngày nào trong năm 2021. Những con số này bao gồm cả ba triệu 300.000 trẻ em bị cưỡng bách làm việc. Một nửa số trẻ em này bị khai thác tình dục vào mục đích thương mại.
Hôm 16 tháng Sáu vừa qua, Tổ chức “Bước đi tự do” đã công bố một phân tích và bảng xếp hạng từng nước. Phân tích này ước lượng trong năm ngoái, có 28 triệu người bị cưỡng bách lao động, và 22 triệu người khác bị cưỡng bách kết hôn. Hiện tượng này nổi bật ở các nước Arập và thường có sự can dự của gia đình. Phụ nữ, những người di dân, tị nạn và những người khác ở trong tình trạng khủng hoảng thường là nạn nhân của tệ nạn này.
Chỉ số nô lệ hoàn cầu (Global Slavery Index) ước lượng có 50 triệu người, tức là một trên 150, sống trong tình trạng nô lệ tân thời một thời điểm nào đó trong năm 2021, tức là tăng từ 40 triệu so với tình trạng năm 2016.
Điều đáng để ý là cuộc tranh luận để xác định thế nào là các nạn nhân của nạn buôn người và nô lệ. Trang mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ về nạn buôn người nhận xét rằng “Nạn nô lệ tân thời” không được định nghĩa trong công pháp quốc tế hoặc luật pháp của Mỹ.
Một số trường hợp cưỡng hôn có thể đáp ứng định nghĩa của Mỹ hoặc quốc tế về nạn buôn người, nhưng không phải mọi trường hợp đều như vậy. Luật chỉ khuyến khích sử dụng các số liệu về cưỡng bách lao động. Mặc dù có sự khác biệt quan điểm, nhưng bà Grace Forrest, giám đốc sáng lập viên tổ chức “Bước đi tự do” nhấn mạnh sự cần thiết phải bài trừ nạn buôn người và nô lệ.
Chỉ số Nô lệ hoàn cầu, trong đó có cả nạn cưỡng hôn, đã xếp Bắc Triều Tiên đứng hàng đầu: hơn 10% người dân nước này ở trong tình trạng nô lệ tân thời. Tại Eritrea bên Phi châu, 9% dân chúng bị xếp hàng như vậy. 3% dân tại Mauritania bên Phi châu, tiếp đến là Arập Sauđi, Thổ Nhĩ Kỳ, Tajikistan, và Emirati.
(CNA 21-7-2023)