Xung đột võ trang tiếp tục xảy ra tại Sudan

Photo: Vatican News

Một thừa sai người Ý ở Sudan cho biết xung đột từ ngày 15 tháng Tư năm nay vẫn tiếp tục diễn ra tại thủ đô Khartum của nước này, và tại vùng Darfur, thực sự là một cuộc nội chiến. Tình trạng dân chúng thực là đáng báo động.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Vị thừa sai ấy xin ẩn danh vì lý do an ninh. Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, dành cho Đài Vatican, truyền đi hôm 08 tháng Bảy vừa qua, vị thừa sai cho biết dân chúng tiếp tục phải chạy tứ phía. Tại những thành phố lớn ở Sudan xảy ra những vụ tàn phá và cướp bóc. Giáo hội địa phương có nguy cơ suy yếu nặng nề vì nhiều linh mục tu sĩ nước ngoài và địa phương phải tản cư.

Dân chúng tiếp tục là nạn nhân của những cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ Sudan và các dân quân thuộc Lực lượng Triển khai nhanh (Rapid Support Forces (Rsf).

Vị thừa sai cho biết trên các mạng xã hội, người ta tiếp tục phổ biến những Video cho thấy có những khu phố tan hoang vì bị dội bom, hoặc bị các phiến quân và thường dân cướp phá. Có những tin tức trái ngược nhau. Tại thành phố El-Obeid, cũng có những cuộc giao tranh. Nhưng tình trạng bi thảm nhất là miền Darfur, mạn tây nam Sudan, có nội chiến thực sự, vì các bộ lạc địa phương bị phân chia, hoặc theo quân đội chính phủ, hoặc theo phiến quân, và đánh nhau. Một số phiến quân khai thác sự oán ghét của một số bộ lạc chống quân chính quy, trong khi những bộ lạc thuộc chủng tộc Arập thì đứng về phía quân đội chính phủ.

Về mặt nhân đạo, tình trạng khủng hoảng thật trầm trọng. Giáo hội đang giúp đỡ nhiều người tị nạn, chạy về Nam Sudan, đặc biệt là các tín hữu Kitô, cùng với các linh mục và nữ tu di tản. Phần lớn đến từ thủ đô Khartum và họ tiến về trại tị nạn ở Renk. Có nhiều người tìm cách tới thủ đô Juba của Nam Sudan, nhưng phí tổn di chuyển quá cao đối với họ. Bệnh dịch tả và sốt rét ngã nước cũng đang lan tràn trong các trại tị nạn.

Vị thừa sai cũng nói rằng có những người tị nạn tìm cách chạy sang Ai Cập. Nhưng họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc vào nước này. Họ tiếp tục phải chờ đợi tại những vùng sa mạc và hoang vu. “Trong tư cách là Giáo hội, chúng tôi bị tê liệt vì tình trạng rất hỗn độn, các Kitô hữu trốn chạy tứ phía. Vì thế, cần xét lại sự hiện diện và tổ chức của Giáo hội ở Sudan. Trước chiến tranh, tại Giáo phận Khartum, chúng tôi có 60 trường học. Sau cuộc chiến này, chắc chắn con số các trường Công giáo sẽ bị giảm bớt rất nhiều”. Ngoài ra, có nguy cơ ai ra đi sẽ không trở lại được. Để được thị thực nhập cảnh của nhà nước Sudan, cần phải chờ đợi nhiều năm trời”.

(Vatican News 8-7-2023)

Tags

Trực tiếp

Livesteam thumbnail