Dân chúng tại Khartum di tản

Photo: Vatican News

“Thủ đô Khartum không còn là một thành phố an ninh nữa. Dân chúng phải di tản, để lại thành phố cho những cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và các dân quân. Chính tôi cũng phải ra đi”.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trên đây là lời tuyên bố của Đức cha Daniel Marko Kur Adwok, Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Khartum, với hãng tin Công giáo ACI ở Ý. Sudan ngày càng lún sâu trong tình trạng hỗn độn sau khi xảy ra các cuộc xung đột và thù nghịch, từ ngày 15 tháng Tư vừa qua, giữa hai tướng lãnh đã từng hướng dẫn cuộc đảo chánh hồi năm 2021: đó là tướng Abdel Fattah al-Burhan, tư lệnh quân đội Sudan, và trong thực tế là Tổng thống nước này, tiếp đến là người phó của ông tên là Mohammed Hamdan Dagalo, chỉ huy trưởng các lực lượng dân quân triển khai nhanh.

Theo Liên Hiệp Quốc, hàng chục ngàn người Sudan đã phải di tản, 450 người bị giết và 4.000 người bị thương và 20 nhà thương phải đóng cửa.

Chiến tranh càng làm quốc gia 48 triệu dân này lâm vào tình trạng khủng hoảng, với lợi tức mỗi đầu người thấp nhất trên thế giới, chỉ có 750 Mỹ kim mỗi năm.

Đức cha Adwok có mặt tại Roma hồi giữa tháng Năm vừa qua, trong tư cách là đại diện Caritas Sudan tham dự đại hội của Caritas quốc tế. Đức cha cho biết Caritas Sudan không có khả năng cần thiết để giúp đỡ dân chúng và cần sự hỗ trợ của các Caritas thành viên của Liên hiệp Caritas quốc tế. Ngài nói: “Chúng tôi cũng không đủ sức quản lý số lượng đông đảo những người tị nạn đông đảo như vậy. Caritas Sudan trong thực tế mới được hồi sinh sau hầu như mười năm không hoạt động.

Đức cha Adwok kể rằng năm 2011, Sudan bị chia đôi. Các giám mục tại miền nam Sudan đã hoạt động khẩn trương, nhờ sự hỗ trợ của các Caritas khác. Vì thế, họ đã có thể bắt đầu hoạt động ngay, sau khi được phê chuẩn. “Chúng tôi kêu gọi Caritas của các nước láng giềng và toàn thể Caritas quốc tế hãy giúp đỡ Sudan, dân chúng nước này đang cần được nâng đỡ. Chúng tôi cần theo dõi những di chuyển của người tị nạn và cung ứng các nhu cầu của họ, đặc biệt là lương thực và nơi trú ngụ, vì hiện nay chúng tôi hầu như đang ở trong mùa mưa. Mặt khác, một vị lãnh đạo của Chương trình lương thực thế giới (PAM) tố cáo rằng lực lượng dân quân triển khai nhanh ở Sudan đã chiếm đoạt 20 tấn lương thực dành cho dân chúng tại thành phố Al-Ubayyid. Trong bối cảnh này, các thừa sai Dòng Don Bosco đã quyết định ở lại với dân chúng tại thủ đô Khartum và thành phố El-Obeid, để chia sẻ cuộc sống với các giáo dân và những người cộng tác, để nuôi dưỡng hy vọng hòa bình.

Khi xung đột bùng nổ hồi giữa tháng Tư vừa qua, trung tâm của các thừa sai Don Bosco ở Khartum nằm giữa lằn ranh giữa hai phe. Một quả đạn đã rơi vào phòng thí nghiệm của trường huấn nghệ thánh Giuse, do tu sĩ Dòng Don Bosco đảm trách, nhưng rất may là không có các học sinh lúc ấy. Cha Jacob Thelekkadan cho biết sau khi di tản các học sinh, các tu sĩ khởi động ngay việc giúp các gia đình cùng ngày hôm đó, khi họ xin được trợ giúp lương thực và tạm trú.

Đức cha Michael Didi Addum, Tổng giám mục Giáo phận Khartum đã mời gọi các tín hữu cầu nguyện để “lương tri được trổi vượt trong cả hai phe”.

Tại Sudan, có ba cơ sở của Dòng Don Bosco, hoạt động từ hơn 30 năm tại nước này. Trung tâm huấn nghệ thánh Giuse ở khu công nghệ thuộc Khartum với hơn 500 học sinh. Còn giáo xứ thánh Giuse, cách Khartum 27 cây số, thì có hơn 6.000 tín hữu.

(ACI 1-6-2023; Fides 1-6-2023)

Trực tiếp

Livesteam thumbnail