Phút Cầu Nguyện, Thứ Tư 09/04/2025: Thông điệp sám hối và hòa giải toàn cầu

Trong một bài chia sẻ của linh mục Anmai về khoảnh khắc đặc biệt trên màn ảnh truyền hình Mỹ, vào Thứ Tư Lễ Tro năm nay, ngày khởi đầu Mùa Chay của người Công giáo, Ngoại trưởng Marco Rubio đã gây chú ý khi xuất hiện với “dấu thánh giá tro” được khắc họa trên trán. Với nét mặt trang nghiêm và phong thái điềm đạm, Ngoại trưởng Rubio đã lựa chọn hình ảnh "dấu thánh tro" như một biểu tượng đặc biệt trên chương trình trao đổi về các thỏa thuận hòa bình cho Ukraine và Trung Đông. Theo truyền thống xưa, nghi thức sức tro không chỉ là biểu tượng của sự sám hối mà còn là lời nhắc nhở về khả năng tha thứ tội lỗi, đồng thời thể hiện một tâm hồn hướng về sự khiêm nhường và thanh tịnh. Dấu tro trên trán còn nhắc nhở rằng con người luôn cần nhận thức được sự yếu đuối, biết ăn năn và tìm kiếm sự tha thứ của Đấng Tối Cao. Hình ảnh này đã trở thành một cầu nối giữa tinh thần sám hối cá nhân và khát vọng hướng tới hòa giải trên bình diện toàn cầu.

Việc Ngoại trưởng Rubio lựa chọn mang dấu thánh tro lên truyền hình không dừng lại ở việc thể hiện sự tôn trọng đối với những giá trị tâm linh của người Công giáo, mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về hòa bình tại Ukraine và Trung Đông đang diễn ra, thông điệp mà Rubio gửi gắm là lời kêu gọi các lãnh đạo thế giới cần buông bỏ những thù hận, xung đột cá nhân và chính trị để cùng nhau hướng tới một tương lai an bình và ổn định. Ông nhấn mạnh rằng, như ý nghĩa của việc xức tro nhắc nhở con người về sự khiêm nhường và ăn năn, thì các lãnh đạo trên thế giới cũng cần phải “rửa sạch” những mâu thuẫn và định kiến cá nhân, để có thể tiến vào bàn đàm phán với một tâm thế chân thành, sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu quan điểm của đối phương. Đó thực sự là một lời kêu gọi mở lòng, một lời nhắc rằng bất kỳ cuộc đàm phán hay nỗ lực xây dựng hòa bình nào cũng cần bắt nguồn từ sự hối cải và tha thứ – những yếu tố then chốt để hàn gắn những vết thương của quá khứ. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, trong bối cảnh xung đột và bất ổn đang diễn ra ở nhiều vùng của thế giới, việc nhấn mạnh yếu tố tha thứ và hối cải sẽ mở ra những cánh cửa mới cho đàm phán hòa bình và hợp tác quốc tế, đoàn kết và phát triển bền vững.

Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,

Thông điệp này, khi được gửi gắm trong bối cảnh các cuộc đàm phán về hòa bình, cũng như ngày đầu của Mùa Chay Thánh năm nay, đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc buông bỏ những thù hận cá nhân và chính trị, mở lòng hướng tới sự đồng cảm và thấu hiểu. Chỉ khi chúng ta biết hối cải và tha thứ, mỗi người, mỗi quốc gia mới có thể tiến bước vững chắc trên con đường hướng tới một tương lai chung đầy hy vọng và an bình.

Lịch sử Giáo hội Công giáo, đã cho thấy nhiều vấn đề xảy ra khi thế quyền và thần quyền bị đồng hóa đã làm tha hóa Giáo Hội, Giáo Hội không còn thuần túy bảo vệ giá trị của sự thật và cho đi với tình yêu vô vị lợi nhưng bị chi phối bởi lợi ích quốc gia thay vì lợi ích con người nói chung cũng như thế quyền sẽ luôn nhắm đến địa vị và danh vọng được củng cố, điều này trái ngược với tinh thần phục vụ vô điều kiện của Kitô giáo. Tuy nhiên, một sự thật mà chúng ta không thể chối cãi, khi các quốc muốn tìm kiếm nền hòa bình, sự thịnh vượng, họ không tìm thấy được trong việc sở hữu vụ khí tối tân hay sức mạnh của sự tàn bạo. Vì thế, sau những năm tháng khủng khiếp của cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga đã tiêu tốn biết bao nhiêu là tiền của cho các vũ khí tối tân cũng như biết bao nhiêu là sinh mệnh, gây bao nhiêu đau khổ và mất mát cho con người nhưng con đường đi tới sự hòa bình vẫn còn xa vời. Con người chỉ thấy sự hận thù ngày càng tăng, đau thương và mất mát ngày một khủng khiếp hơn…Đứng trước những giờ khắc quan trọng trước cuộc đàm phán, mỗi nguyên thủ quốc gia được mời gọi nhìn lại những giới hạn bất toàn của mình để biết sám hối và tha thứ để có thể bước vào cuộc đàm phán hòa bình cho nhân loại. Thật vậy, một giáo hội Thánh thiện có thể không cần đến quyền lực và sức mạnh chính trị nhưng để có một thế giới hòa bình và thịnh vượng cần có một niềm tin vào Đấng tốt lành. Lời Chúa trong bài đọc ngày hôm nay cũng cho thấy sự xung đột gay gắt giữa những người Do Thái với Đức Giêsu. Chính vì sự cố chấp, ích kỷ mà họ đã từ chối những mặc khải chân lý mà Đức Giêsu muốn giải thoát họ, và muốn họ được ở lại với Ngài luôn mãi. Cũng chính vì sự cố chấp mà họ thù hằn với Đức Giêsu và thậm chí muốn giết chết Người. Thật vậy, chính vì cái tôi tự đại mà con người từ chối Thiên Chúa, bất tuân Lời Chúa, không giữ luật Chúa dạy để rồi sinh ra sự thù hận, chiến tranh và tội lỗi. Hiệp thông với những người đang đau khổ cũng như những người đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và hận thù, chúng ta cùng dâng lên Chúa tâm tình thống hối ăn năn về những lầm lỗi của chúng ta để cầu nguyện  cho nền hòa bình của thế giới sớm được thiết lập. Đồng thời, chúng ta cũng tích cực tận dụng những ngày còn lại của Mùa Chay Thánh để sám hối và quay về với Chúa nhằm góp phần xây dựng tình huynh đệ yêu thương và kiến tạo bầu khí bình an trong gia đình, nơi làm việc, hay trong cộng đoàn giáo xứ , cũng như những người sống xung quanh chúng ta.

Lạy Chúa, chính vì cái tôi tự kiêu mà con người sống trong thù hận, đau khổ của chiến tranh chết chóc, xin cho cho mỗi chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy, thay vì chỉ biết làm theo những điều mình muốn và điều mình thích, để chúng con có thể sống yêu thương và hạnh phúc hơn. Amen.

Bích Liễu