Phút Cầu Nguyện, Thứ Sáu 24/11/2023: Dòng Máu Tử Đạo Việt Nam
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Nếu có dịp đến Trung tâm hành hương Ba Giồng, nằm trong khuôn viên giáo xứ Ba Giồng thuộc Giáo phận Mỹ Tho, nơi đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam chỉ định thành địa điểm hành hương cho Giáo tỉnh Sài Gòn trong Năm Thánh 2018 của Giáo hội Việt Nam, chúng ta sẽ được nghe kể về sự tử đạo hào hùng của 2 trong 117 thánh tử đạo Việt Nam, đó là thánh Philipphê Phan Văn Minh và thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu - hai linh mục coi sóc họ đạo Ba Giồng trong những năm 1849 -1861. Cũng nơi linh địa này, chúng ta sẽ được đến viếng tượng đài 27 giáo dân đã đổ máu đào tử đạo ngay tại mảnh đất này mà hài cốt của họ đang được an nghỉ tại nơi đây.
Theo những lời truyền tụng khá chắc chắn, vào khoảng năm 1700 hoặc 1702, dưới sự bách hại của triều đại Minh Vương, chừng 20 ghe biển rời bờ Phú Yên, mang theo khoảng 30 gia đình Kitô giáo trốn tránh cuộc bắt đạo và trẩy về hướng Nam Kỳ. Họ dừng lại lập cư ở miệng một con rạch rồi rước thêm những gia đình khác ở Phú Yên. Dần dần, số Kitô hữu lập cư ở vùng này ngày càng đông hơn. Không lâu sau đó, sự hiện diện của nhóm Kitô hữu này bị bại lộ. Một số Kitô hữu đánh cá bị quan phát hiện đã bị bắt và bị đem đi. Tất cả Kitô hữu khác khiếp sợ, vội vã bỏ nơi ấy để đi sâu vào trong rừng, tới vùng đất Ba Giồng bây giờ và lập cư tại đó.
Sau sự tử đạo của cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu, đang là cha sở ở Ba Giồng vào năm 1861, quan quân Việt Nam quyết định tiêu diệt họ đạo Ba Giồng. Được tin này, giáo dân Ba Giồng tìm cách chạy trốn trong đêm, nhưng hầu hết đã bị bắt lại. 25 người đàn ông của họ đạo Ba Giồng đã kiên quyết không từ bỏ đức tin nên đã bị trảm quyết tại một căn nhà, cách nhà thờ Ba Giồng khoảng hai cây số. Xác của họ được người lương đem chôn trong cánh đồng bên cạnh chợ; một số được chôn tại một gò đất mà người địa phương gọi là “Gò Chết Chém”.
Giáo phụ Tertullianô đã nhận định rằng: “Máu các thánh tử đạo làm trổ sinh hoa trái là các Kitô hữu”. Thật vậy, từ mảnh đất Ba Giồng - nơi dòng máu của 27 vị thánh tử đạo đổ ra để làm chứng cho niềm tin mãnh liệt vào Chúa Kitô, đã có biết bao người giáo dân sống tốt đạo, đẹp đời và cống hiến cho Giáo hội nhiều người con, người cháu của họ là những linh mục, tu sĩ hăng say dấn thân phục vụ con người, Giáo hội, và xã hội.
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Lịch sử Hội thánh Công giáo của chúng ta, ngay từ thuở bình minh khai sinh và qua các giai đoạn thăng trầm của dòng thời gian đã được viết nên bởi những trang sử thắm đượm máu đào của các thánh tông đồ, các thánh tử đạo và bao bậc tiền nhân. Sống niềm tin vào Chúa Kitô và giữ vững niềm tin ấy của mình trong các thời kỳ mà đạo Công giáo bị bách hại là một thách đố hết sức cam go và gian khổ. Thế nhưng, các vị ấy vẫn can đảm chấp nhận mọi khổ hình, và kiên cường hy sinh cả mạng sống của mình để chứng minh tình yêu và lòng trung thành với Chúa Kitô.
Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, số 42 đã khẳng định rằng tử đạo là được đồng hoá với Chúa Giêsu - Thầy mình, sẵn sàng chết để cứu độ trần gian, và cũng như Thầy, đổ máu đào ra để làm chứng cho việc đó. Do vậy, theo nhãn quan của Giáo hội, tử đạo được xem là một ơn cao cả, là bằng chứng tột đỉnh về đức tin. Vì sự cao trọng đó, không có nhiều người được phúc tử đạo, nhưng tất cả mọi người tín hữu Kitô đều phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt thế gian, và theo Người trên con đuờng thập giá, giữa những cơn bắt bớ thường xảy ra cho Giáo hội. Những năm tháng đau thương, những thời kỳ cấm cách và bách hại những người sống niềm tin vào Chúa Kitô đầy máu và nước mắt, đã qua rồi. Ngày hôm nay, người Kitô hữu chúng ta không được phúc đổ máu và hy sinh mạng sống vì Chúa Kitô, như các thánh tử đạo ngày xưa. Thế nhưng, chúng ta có thể tử đạo một cách âm thầm khi chuyên chăm giữ trọn luật Chúa dạy, xa tránh tội lỗi, kiên trì chấp nhận mọi khó khăn, trở ngại, kể cả sự khinh chê, thù ghét của thế gian khi chúng ta dám lên tiếng bảo vệ sự thật và thực thi công bình và bác ái.
Lạy Chúa, cùng với Giáo hội Việt Nam hôm nay, chúng con long trọng mừng Lễ kính Các thánh Tử đạo Việt Nam. Các ngài đã chọn Chúa và đặt Chúa lên trên hết mọi lợi lộc, vinh quang trần thế và trên cả mạng sống của mình. Xin Chúa cho chúng con khi sống trong một thế giới có quá nhiều thử thách và cám dỗ về niềm tin, chúng con vẫn một lòng trung thành với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ.