Phút Cầu Nguyện, Thứ Bảy 09/11/2024: Cái roi của bố

 Trên tờ báo điện tử Mực Tím có đăng một bài viết của Nguyễn Quốc Việt như sau:

Tuổi thơ tôi gắn liền với cây roi tre của bố. Tôi còn nhớ mang máng lần đầu tiên bị bố cho ăn roi. Trời hôm đó mưa xối xả, tôi xin phép bố đi tắm mưa. Bố đồng ý và dặn tôi chỉ được tắm ở quanh xóm với bạn thôi

Tôi hớn hở chạy ra hứng lấy những giọt mưa vào người, nhảy tung tăng cùng đám nhóc trong xóm. Lũ bạn rủ ra đồng chơi, tôi thích thú nhập cuộc. Thế là lời dặn của bố đã bị những giọt mưa cuốn đi. Chơi ngoài đồng vui thật!

Mưa tạnh, tôi trở về. Bố cầm sẵn một cây roi tre mới vót đứng trước hiên nhà, vẻ mặt lo lắng. Tôi đoán ra là bố đã biết hết mọi chuyện. Tôi bước vào nhà, cúi gằm mặt xuống đất tỏ thái độ hối lỗi. Nhưng không gì có thể kìm được cơn giận của bố. Chiếc roi tre cứ quất vào mông tôi. Tôi đau lắm, khóc nức nở, nước mắt nước mũi tèm nhem.

Đánh xong, bố căn dặn tôi đủ điều: không được cãi lời bố, phải ngoan với mẹ, trung thực, lễ phép… Tôi gật đầu lia lịa, nhưng gật chỉ để tránh cơn đòn. Tôi lại vi phạm nhiều hơn những điều bố đã dặn: tôi không chép bài ở lớp, nói dối về cái lọ hoa bị vỡ, hay giành đồ chơi với mấy bạn cùng xóm… Và chiếc roi lại làm tôi đau.

Tôi lớn dần theo năm tháng. Chiếc roi vẫn bệ vệ nơi góc nhà. Vì thế mà mỗi khi định làm điều gì sai, tôi lại nhớ đến cây roi của bố. Nó mách bảo tôi về người bố lam lũ và nghiêm khắc. Và từ đó tôi đã trưởng thành hơn...

Tôi lên phố học, không còn nhìn thấy chiếc roi của bố. Đêm. Thằng bạn gọi điện tâm sự đủ điều. Nó nói tôi sướng vì học xa nhà, chẳng bị ai la rầy. Nghe xong, tôi thật buồn và tự dưng thèm cây roi của bố ngày xưa quất vào mông. Sống mũi tôi bỗng dưng cay xè.

Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,

Nuôi dạy con cái là trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ. Chính sự dạy dỗ của cha mẹ sẽ quyết định tương lai con mình. Việc dạy dỗ con cái của người xưa thường nghiêm khắc. Có lẽ những ai đang ở độ tuổi 45 - 50 trở lên sẽ có những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ khi rong ruổi cùng chúng bạn trên con đường làng, những ngày cả lũ trẻ trong xóm đi tắm mưa, những trò chơi dân gian không có hồi kết,… thì có lẽ cũng không quên những làn roi của bố mẹ khi chúng ta sai lỗi. Trước khi bị sửa phạt, bao giờ bố mẹ cũng có những lời răn dạy, giải thích tại sao không được làm điều này, tại sao không được nói thế kia,… để cho con cái ghi nhớ. Câu chuyện trên là một minh chứng cho điều đó. Khi tác giả nhớ về tuổi thơ với những trò nghịch phá của trẻ con thì tác giả cũng nhớ về những làn roi của bố. Nhớ không phải để tức giận, để oán hờn nhưng nhớ cây roi của bố với lòng biết ơn. Chính cây roi ấy đã giúp anh trưởng thành hơn và nên người hơn. Chính vì thế, ông bà ta thường nói: thương cho roi cho vọt. Trong bài tin mừng hôm nay, cũng chính vì thương yêu mà chúng ta bắt gặp hình ảnh Đức Giêsu nổi giận. Ngài nổi giận vì sự sai trái của con cái mình. Đền thờ là nơi để thờ phượng Thiên Chúa nhưng giới Tư tế đã lợi dụng đền thờ để buôn bán, để trục lợi cá nhân, biến nơi trang nghiêm thành ra chợ búa, nháo nhác tiếng kêu của súc vật, tiếng la lối tranh cãi của kẻ mua người bán… Chính vì vậy, Chúa Giêsu đã lấy dây làm roi để xua đuổi họ ra khỏi đền thờ với lời dạy bảo: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”.

Hành động thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem của Chúa Giê su cũng đồng nghĩa với việc Chúa muốn chúng ta thanh tẩy Đền thờ tâm hồn mình. Quả thật, khi chúng ta được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, là tâm hồn mỗi người Kitô hữu trở thành nơi hiện diện linh thánh của Thiên Chúa giữa thế gian này, là Đền thờ để Chúa ở với ta hằng ngày trong suốt cuộc đời. Như lời thánh Phaolô đã nhắc nhở: “Anh em không biết rằng anh em là Đền Thờ Thiên Chúa và Thánh Thần Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3, 16).  Đó là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý bởi đền thờ tâm hồn được xây bằng các bí tích, các việc lành thánh thiện, những hy sinh, lòng yêu mến Thiên Chúa. Thế nên, Ngài đã không tiếc khi lấy chính Máu Thánh mình mà thanh tẩy; không tiếc hiến mạng mình để chuộc lại chúng ta. Tâm hồn mỗi người Kitô hữu là Đền Thờ vô giá!. Chính vì lẽ đó, chúng ta phải gìn giữ, trang hoàng đền thờ tâm hồn bằng tấm lòng nhân ái, vị tha, bằng những lời cầu nguyện liên lỉ hay những Thánh lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày

Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao chủ nghĩa vật chất và quên đi Đấng tạo dựng nên mình. Chúng ta dễ hòa lẫn mình vào luồng tư tưởng vô thần ấy nên quên rằng tâm hồn chúng ta là nơi linh thiêng nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chúng ta để những thứ tham sân si chiếm lấy tâm hồn mình không còn chỗ cho Thiên Chúa ngự trị. Những lúc đó, chính những lằn roi của Chúa Giê su và những lời dạy bảo của Ngài nhắc nhớ chúng ta sửa đổi, dọn dẹp và nhờ Chúa Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhớ đến sự dạy bảo nghiêm khắc của Chúa khi người ta biến đền thờ Giêrusalem thành chợ búa để chúng con luôn biết trân trọng và gìn giữ tâm hồn mình thoát khỏi sự chiếm dụng của vật chất, sự mê hoặc của tiền bạc hầu xứng đáng là Đền Thờ cho Chúa ngự trị luôn mãi. Amen.

Bích Liễu