Phiên họp Toàn thể thứ bảy của Hồng y đoàn

Thứ Năm, ngày 01 tháng Năm, Ngày Quốc tế Lao động, Hồng y đoàn không nhóm họp. Trước đó, trong phiên họp thứ bảy, bắt đầu từ 9 đến 12 giờ 30, ngày 30 tháng Tư vừa qua, 181 Hồng y đã bàn về tình trạng kinh tế tài chính của Tòa Thánh và một số vấn đề khác liên quan đến tình trạng của Giáo hội.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong số các Hồng y tham dự, có 124 Hồng y cử tri. Như vậy, còn thiếu 9 Hồng y cử tri cho mật nghị bầu Giáo hoàng.

Kinh tế và tài chánh

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: Đức Hồng y Reinhard Marx, Tổng giám mục Munich, bên Đức, trong tư cách là Chủ tịch Hội đồng kinh tế của Tòa Thánh, đã trình bày thực trạng với những khó khăn, sự bền vững cần thiết về tài chánh, để bảo đảm cho Tòa Thánh có thể phục vụ Giáo hội hoàn vũ. Đức Hồng y cũng nói đến những giải pháp có thể áp dụng.

Trong những năm cuối cùng của triều đại của mình, Đức Cố Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần ám chỉ tình trạng thiếu hụt trầm trọng trong ngân sách Tòa Thánh. Hồi tháng Chín năm ngoài (2024), ngài đã công bố thư ngỏ kêu gọi các Hồng y phải tiết kiệm và ngài cũng đưa ra những ý tưởng mới về tài chánh. Ngày 26 tháng Hai, khi còn ở trên giường bệnh, Đức Cố Giáo hoàng đã cho thành lập một ủy ban mới, tập trung nhiều hơn về việc gây quỹ cho Tòa Thánh.

Từ hơn hai năm nay, Tòa Thánh không công bố ngân sách thường kỳ. Theo các phương tiện truyền thông, Tòa Thánh đang bị thiếu hụt mỗi năm khoảng 80 triệu Euro.

Sau phúc trình của Đức Hồng y Marx, Đức Hồng y Christophe Schönborn, Dòng Đa Minh, nguyên Tổng giám mục Giáo phận Vienne bên Áo, trong tư cách là Chủ tịch Ủy ban Hồng y giám sát Ngân hàng Vatican, - tên chính thức là Viện Giáo Vụ (IOR), - đã trình bày về tình trạng và hoạt động của tổ chức này. Trong những năm gần đây, Viện Giáo Vụ đã chuyển một ngân khoản nhỏ, vài triệu Euro để giúp Tòa Thánh. Ngân hàng này hiện được coi là vững chắc, nhưng không mang lại lợi nhuận vụ để giúp trả lương và hưu bổng cho gần 5.000 nhân viên tại Vatican.

Sau phần tường trình của hai Hồng y, Đức Hồng y Konrad Krajewski, người Ba Lan, nguyên Bộ trưởng Bộ Bác ái của Tòa Thánh, cũng như Đức Hồng y Kevin Farrell và Đức Hồng y Fernando Vergez Alzaga, nguyên là Thống đốc Quốc gia thành Vatican, đã trình bày hoạt động và hiện tình của các cơ quan này. Nữ tu Raffaella Petrini, người kế nhiệm Đức Hồng y Vergez làm Thống đốc thành Vatican, đã không tham gia cuộc họp của Hồng y đoàn.

Những căng thẳng và chia rẽ trong Giáo Hội

Sau phần tường trình trên đây, đã có 14 Hồng y lên tiếng về những vấn đề khác nhau liên quan đến Giáo hội học về dân Chúa, tính đồng hành hay hiệp hành và đoàn thể tính của hàng giám mục để vượt thắng tình trạng cực hóa. Các vị đề nghị cần xác định rõ hơn “hiệp hành” hay đồng hành tính là gì, cũng như cần minh định sự đồng trách nhiệm của các giám mục trong việc cai quản Giáo hội. Ngoài ra, cần phân biệt rõ ràng hơn giữa sự cai quản của các giám mục và sự tham gia của “dân Chúa”.

Những tranh luận và xung đột nảy sinh một phần do những quyết định của Đức Thánh cha Phanxicô cũng như vì sự thay đổi của văn hóa thảo luận, đặc biệt những người thuộc phe bảo thủ thường than phiền về điều này trong những năm qua.

Tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới do Đức Thánh cha Phanxicô khởi xướng từ năm 2021 nhắm tìm ra những hình thức chia sẻ trách nhiệm giữa các giám mục và các tín hữu Công giáo không có thánh chức. Trên giường bệnh, Đức thánh cha đã qui định rằng sẽ có thêm những khóa họp về vấn đề này cho đến năm 2028.

Riêng tại Đức, Ủy ban Giáo dân Trung ương Công giáo Đức, gọi tắt là ZdK, muốn áp dụng hướng đi này ngay từ năm 2026, với việc thành lập Hội đồng Con đường Công nghị, trong đó các giám mục giáo phận cùng với các đại diện giáo dân điều hành Giáo hội. Có năm trên tổng số 27 giám mục giáo phận Đức đã chống chủ trương này và không tham gia. Đồng thời, Tòa Thánh cũng cấm cản chủ trương vừa nói.

Trong phiên họp, một số Hồng y đã liên tiếng về sự suy giảm ơn gọi linh mục và tu sĩ, việc loan báo Tin mừng, hoặc nhấn mạnh đến sự nhất quán giữa điều mình sống và điều mình rao giảng. Cũng có những Hồng y nói về sự cực hóa trong Giáo hội và sự chia rẽ của xã hội. Một số vị nhắc đến những giáo huấn của Công đồng chung Vatican II, đặc biệt Hiến chế Ánh sáng muôn dân, Vui mừng và Hy vọng.

Thông cáo thực tiễn

Trong phần hai của phiên họp, có đọc thông cáo gửi dân Chúa, xin các tín hữu cầu nguyện cho Hội đồng Hồng y và mật nghị bầu Giáo hoàng, với các sáng kiến.

Một số thông tin khác cũng được phổ biến, đó là: sau thánh lễ lúc 10 giờ sáng, thứ Tư, ngày 07 tháng Năm tới đây tại Đền thờ thánh Phêrô để cầu cho việc bầu Giáo hoàng, các Hồng y cử tri phải dọn vào cư ngụ trong Nhà trọ thánh Marta suốt thời gian mật nghị. Trong những ngày trước đó, các Hồng y cư ngụ ở những nơi khác nhau tại Roma. Hiện thời, phòng của các vị ở Nhà trọ thánh Marta đang được chuẩn bị, vì thế, những chức sắc hoặc người khác đang ở đó phải dọn dẹp để di chuyển đi nơi khác, nhường phòng cho các Hồng y cử tri.

Các triện niêm phong căn hộ của Đức Cố Giáo hoàng Phanxicô chỉ được tháo gỡ, sau khi bầu Giáo hoàng mới, xét vì căn hộ ấy và tất cả những gì trong đó sẽ tùy thuộc quyết định của ngài.

Thứ Tư, ngày 07 tháng Năm, chỉ có một lần bỏ phiếu vào ban chiều tại Nhà nguyện Sistina. Trong những ngày kế tiếp, mỗi ngày sẽ có bốn cuộc bỏ phiếu: hai lần ban sáng và hai lần ban chiều. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ có hai lần đốt phiếu, truyền khói qua ống ở trên mái Nhà nguyện Sistine: một vào cuối buổi sáng và một vào cuối buổi chiều, trừ khi vị Giáo hoàng mới đắc cử sớm hơn, và khi ấy việc đốt phiếu cũng sẽ sớm hơn.

Trong mật nghị không có việc thông dịch, trái lại, trong các phiên họp toàn thể như hiện nay, việc dịch này đang được thực hiện.

(Vatican News 30-4-2025)

Trực tiếp

Livesteam thumbnail