Hy vọng của cha Bề trên Phanxicô tại Thánh địa

Cha Francesco Patton, Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa | Vatican News
Cha Francesco Patton, Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa, tuyên bố rằng “Tôi hy vọng từ Chúa nhật, ngày 19 tháng Giêng tới đây, các con tin Israel và tù nhân Palestine thực sự được trả tự do, và từ đây bắt đầu một hành trình, chắc chắn là lâu dài, nhằm ổn định và biến Gaza trở thành nơi có thể sống và đồng thời có thể cai quản được”.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi ngày 16 tháng Giêng vừa qua, cha Patton cũng nhận định rằng hiệp định đạt được giữa Israel và Hamas đã được đẩy mạnh thêm do cuộc bầu cử Tổng thống Trump. Chúng ta chờ xem sự thay đổi bước đi này có đánh dấu một giai đoạn mới trên bình diện chính phủ Israel hay không.

Theo cha Patton, “điều quan trọng trong giai đoạn này là hai phe tranh chấp không bị bỏ mặc một mình. Cộng đồng quốc tế, vốn nổi bật về sự vắng mặt của mình trong những tháng dài chiến tranh, giờ đây phải cho mọi người thấy mình còn hiện hữu và duy trì một khả năng xây dựng.”

Cha Bề trên Dòng Phanxicô ở Thánh địa không quên cảnh giác rằng “cuộc ngưng chiến tại Gaza không được trở thành cái cớ để biến miền Cisjordani thành một Gaza mới”.

Nhận định này của cha Patton là một lời cảnh cáo đối với “những nhóm Palestine cực đoan, đang tích cực hoạt động ở miền Cisjordani và cha cầu mong họ hãy rút ra bài học từ những gì đã xảy ra ở Gaza, trong mười lăm tháng chiến tranh. Hy vọng là “hiệu quả của cuộc ngưng chiến ở Gaza có một diễn biến tích cực đối với cả miền Cisjordani”.

Cha Patton cũng nghĩ đến thân nhân của các con tin Israel và nói rằng “hiệp định có thể mở ra một hy vọng sau những tháng dài toan tính giải thoát các con tin ấy mà không thành công. Các phe liên hệ có thể học được điều này từ biến cố kinh khủng và rất đau thương ấy, đó là không thể tiếp tục tiến bước như thế, vì tiếp tục con đường đó có nghĩa là gia tăng thêm đau khổ cho đau khổ, sợ hãi cho sợ hãi, bất định về tương lai. Nếu muốn bảo đảm một tương lai cho tất cả mọi người, thì lối thoát duy nhất là chấp nhận lẫn nhau. Đây cũng là điều mà gia đình các nạn nhân đã nói, tôi nghĩ đến chứng từ của bà Rachel Goldberg-Polin, mẹ của con tin đã bị giết trong khi bị giam cầm ở Gaza, và nhiều người nhà tư tưởng khác sinh sống tại Israel. Đó là một lập trường thực tiễn của những người, trong đau khổ, đã chín mùi một ý tưởng khác: từ đau khổ được chia sẻ và nhìn nhận có thể dẫn đến một con đường chấp nhận lẫn nhau”.

Cha Patton nhận xét rằng một khía cạnh quan trọng của hiệp định liên quan đến cứu trợ nhân đạo cho dân chúng tại Gaza. Về vấn đề này, cha cảnh giác nguy cơ “các đồ cứu trợ ấy trở thành đối tượng những vụ cướp bóc và trộm cắp do các băng đảng võ trang. Để tránh điều đó, cần mang lại cho Gaza một hình thức chính phủ, một cơ cấu tối thiểu về hành chánh cũng như cảnh sát.

(Sir 16-1-2025)

Trực tiếp

Livesteam thumbnail