Đức Hồng y Ngô Thành Tài hy vọng nơi cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Thánh cha tại Singapore
Đức Hồng y William Ngô Thành Tài (Goh Seng Chye), Tổng giám mục Singapore, hy vọng cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha Phanxicô vào tháng Chín năm nay, sẽ giúp mang lại một niềm hăng say mới cho Giáo hội tại địa phương.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Thánh cha Phanxicô sẽ đến thăm tiểu quốc này, từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Chín, sau khi đã viếng thăm Indonesia, Papua New Guinea và Đông Timor, từ ngày 03 tháng Chín.
Trong thông cáo sau khi có tin về cuộc viếng thăm, Đức Hồng y khuyến khích các tín hữu Công giáo tại Singapore hiệp nhất “cầu nguyện cho Đức Thánh cha được sức khỏe dồi dào và an mạnh, đồng thời cầu xin cho chúng ta có được chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha mang đầy ý nghĩa và ân phúc”.
Cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha Phanxicô diễn ra mười năm, sau khi Đức Hồng y Ngô Thành Tài công bố kế hoạch mục vụ mười năm cho Giáo hội địa phương.
Trong một cuộc gặp gỡ hồi năm 2014, với khoảng 750 đại diện của các cộng đoàn giáo xứ ở Singapore, Đức Hồng y nhận xét rằng: “Mặc dù Giáo hội tại đây, với nhiều thánh lễ, rửa tội và thêm sức, có vẻ là sinh động, nhưng vẫn còn đứng trước thách đố, trong đó có tình trạng việc sống đạo của các tín hữu giảm sút. Một nửa số tín hữu đi nhà thờ tại đây là những người nhập cư, di dân”.
Để giúp các tín hữu tại Singapore chuẩn bị tinh thần cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, qua cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tổng giáo phận tại đây mới mở một trang mạng với những kinh nguyện, các tài liệu và các thông tin khác về chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha, vào tháng
Chín tới đây. Trang mạng cũng trình bày ba chủ đề, là “Hiệp nhất, hy vọng và thánh giá”, do Đức Hồng y chọn cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha tại đây.
Sau cùng, Đức Hồng y Ngô thành Tài hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha mang lại một sự đổi mới và củng cố đức tin, hoán cải tâm hồn và gia tăng tinh thần truyền giáo cho các cộng đoàn Công giáo ở Singapore.
Hiện nay, Tổng giáo phận Singapore có 395.000 tín hữu Công giáo, với các nền văn hóa và chủng tộc khác nhau. Phần lớn các thánh lễ bằng tiếng Anh, nhưng cũng có tiếng quan thoại, Tamil và các ngôn nữ khác ở miền Đông nam Á và Âu châu cho các cộng đoàn tín hữu nhập cư.
(KNA 18-4-2024)