Dịch vụ Dòng Tên trợ giúp tị nạn bị thương tổn vì Mỹ cắt viện trợ

Br Micahel Schöpf in Rome | Vatican News
Cha Micahel Schöpf, Giám đốc dịch vụ Dòng Tên trợ giúp tị nạn (JRS) cảnh giác về hậu quả bi thảm do quyết định của tân chính phủ Mỹ đột ngột quyết định ngưng hoạt động của tổ chức USAID, cơ quan trợ giúp phát triển quốc tế: cuộc sống của hơn 100.000 người tị nạn bị đe dọa vì quyết định cắt viện trợ này.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Tuyên bố với Đài Vatican, cha Schöpf cho biết chín dự án của Dịch vụ do cha điều khiển tại nhiều nước, với kinh phí 18 triệu Mỹ kim bị thương tổn vì quyết định của Tổng thống Trump. Ông muốn tiết kiệm 40 tỷ Mỹ kim nhờ sự cắt giảm viện trợ nhân đạo. Ảnh hưởng nhiều nhất của quyết định này liên quan tới các cơ sở giáo dục và các chương trình trợ giúp những người bị chấn thương. Ví dụ, tại Irak, công việc trợ giúp các nạn nhân vụ diệt chủng đã đột ngột phải dừng lại.

Không những dịch vụ Dòng Tên trợ giúp người tị nạn bị thương tổn, nhưng cả Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác nhận viện trợ của Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Các nhu cầu gia tăng, nhưng phương tiện để đáp ứng không có.

Theo cha Schöpf, diễn biến như thế không phải chỉ là một cuộc khủng hoảng nhân đạo, nhưng còn là một khúc ngoặt về chính trị địa lý. “Viện trợ trong tương lai càng lệ thuộc hơn vào lợi ích của nước Mỹ”. Các đồng nghiệp của cha ở Washington gọi trật tự mới này như một sự đổi chác: ai không có gì để cống hiến, thì không được gì. “Vấn đề quan trọng cơ bản là: phẩm giá con người giữ vai trò gì trong trật tự mới này?” Vì những người tị nạn không thể cống hiến điều gì nên sứ điệp tiềm ẩn ở đây là: “Tôi đáng giá hơn bạn”: Ai không thể đóng góp gì phục vụ cho lợi ích riêng, thì không có giá trị gì”.

Cơ quan viện trợ Mỹ USAID là tổ chức trợ giúp phát triển lớn nhất, với 10.000 nhân viên và quản lý một ngân sách hơn 60 tỷ Euro mỗi năm. Sự trợ giúp của cơ quan này chiếm 40% ngân sách tổng số các hoạt động trợ giúp phát triển tại hơn 100 quốc gia, trong đó có cả những nhà thương dành cho phụ nữ tại Afghanistan, hoặc chiến dịch chích ngừa chống Virus Ebola ở Phi châu.

(KAP 18-2-2025)