Đại sứ quán Mỹ cạnh Tòa Thánh chào mừng vị Giáo hoàng đầu tiên người Mỹ

Credit: Photo courtesy of the U.S. Embassy to the Holy See
Hôm 30 tháng Sáu vừa qua, Đại sứ quán Mỹ cạnh Tòa Thánh ở Roma đã tổ chức buổi tiếp tân chào mừng vị Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên trong lịch sử và trong số đông đảo quan khách hiện diện, có Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh Paul Gallagher.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Chủ nhà tiếp đón các quan khách tại biệt thự Richardson ở Roma, là bà Laura Hochla, Đại biện của Đại sứ quán, vì hiện chưa có đại sứ mới. Dịp này, mọi người cũng mừng lễ Độc lập lần thứ 249 của nước Mỹ, mùng 04 tháng Bảy, và kỷ niệm 41 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Tòa Thánh. Trước đó, Mỹ chỉ có đại diện riêng của Tổng thống Mỹ cạnh Tòa Thánh và không có tính cách ngoại giao.

Lên tiếng trong buổi tiếp tân, Đức Tổng giám mục Gallagher đã gợi lại lịch sử mối quan hệ giữa Mỹ và Tòa Thánh, đồng thời nói rằng sự đắc cử của Đức Giáo hoàng Lêô XIV là một sự đóng góp của Mỹ cho Giáo hội và nâng sự đóng góp này lên một mức độ khác. Đức Tổng giám mục nhắc đến sự hiện diện của Giáo hội Công giáo tại Mỹ, bắt đầu với các thừa sai khiêm tốn và những tín hữu Công giáo di dân, nhiều khi bị nhìn với cặp mắt ngờ vực tại đất nước mới của họ. Tuy nhiên, khi con số các tín hữu Công giáo gia tăng, thì sự đóng góp của họ cho xã hội Mỹ cũng gia tăng.

Đức Tổng giám mục nói: “Tiếp xúc ngoại giao đầu tiên giữa Mỹ và Đức Giáo hoàng là từ hồi năm 1788, khi ông Benjamin Franklin gửi một sứ điệp của Tổng thống George Washington cho Đức Giáo hoàng Piô VI, trong đó ông nói: quốc gia mới độc lập thấy không cần phải can dự vào việc bổ nhiệm các giám mục, trong khi cuộc cách mạng của Mỹ không những mang lại tự do cho các thuộc địa nhưng còn mang lại tự do tôn giáo nữa”.

Nước Mỹ duy trì các mối quan hệ lãnh sự với nước của các vị Giáo hoàng, bắt đầu từ năm 1797 và các mối quan hệ ngoại giao với Đức Giáo hoàng từ năm 1848 đến 1867, tuy không ở cấp đại sứ.

Các mối quan hệ này bị ngưng lại vào năm 1867, khi Quốc hội Mỹ thông qua lệnh cấm tài trợ mối quan hệ với Tòa Thánh - quyết định này có nguồn gốc từ tâm tình chống Công giáo ở Mỹ. Từ đó, mối quan hệ giữa Vatican và Mỹ, trong hơn một thế kỷ, chỉ được diễn ra qua vị phái viên riêng của Tổng thống Mỹ, kể cả trong thời Thế chiến thứ II. Và năm 1984, Tổng thống Ronald Reagan và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II mới thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên trên cấp đại sứ và sứ thần Tòa Thánh.

Trong diễn văn, Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh cũng nhắc đến những tín hữu Công giáo giữ các chức vụ cao ở Mỹ, từ Tổng thống Kennedy cho đến Phó Tổng thống Mỹ hiện nay, và sự gia tăng đóng góp về mặt trí thức của các thần học gia người Mỹ, trong đó có cha John Courtney Murray: các ý tưởng của cha về tự do tôn giáo đã ảnh hưởng đến Công đồng chung Vatican II.

Đức Tổng giám mục Gallagher mô tả gốc gác gia đình của Đức tân Giáo hoàng, như tinh hoa của Mỹ.

Bà Susan Hanssen, một giáo sư sử học tham dự buổi tiếp tân ở Biệt thự Richardson, nhận định rằng: “Sự đắc cử của vị Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên tượng trưng cho sự trưởng thành của Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ. Một Cộng đồng Công giáo nhập cư tự ý thức mình đang đấu tranh với sự đồng hóa đột nhiên bùng lên với số ơn gọi linh mục và những người trổi vượt trở lại đạo dưới thời canh tân của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đó là một sự biểu dương về sự tin tưởng nơi chân lý đức tin và sức mạnh của niềm tin này trong việc đương đầu với các vấn đề tân tiến”.

(CNA 4-7-2025)

Trực tiếp

Livesteam thumbnail