Tổ chức trợ giúp các Giáo hội đau khổ: Bách hại Kitô gia tăng
Trong phúc trình mới công bố hôm mùng 05 tháng Mười Hai vừa qua ở Vienne, thủ đô Áo, Tổ chức trợ giúp các Giáo hội đau khổ tố giác tình trạng bách hại các tín hữu Kitô tiếp tục gia tăng trên thế giới.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Phúc trình dài 45 trang mang tựa đề: “Bị bách hại và quên lãng?” tố giác rằng các tín hữu Kitô nam nữ tại nhiều nước trên thế giới tiếp tục chịu đau khổ và nạn bạo lực gia tăng, nạn phân biệt đối xử và những chà đạp khác về nhân quyền.
Phúc trình này được công bố hai năm một lần: lần này từ mùa hè năm 2022 đến mùa hè 2024, đặc biệt tố giác trình trạng bách hại nghiêm trọng chống các Kitô hữu tại 18 quốc gia. Tác giả phúc trình dựa trên các chứng từ tận mắt của những nạn nhân sống sót trong các cuộc tấn công bài Kitô giáo. Ví dụ, chứng từ của Đức cha Gerald Mamman Musa, Giám mục Giáo phận Katsina ở Nigeria, Phi châu. Ngài nói về những vi phạm nhân quyền tự do tôn giáo tại quê hương của ngài.
Tại những nước khác, như Burkina Faso, Mozambique bên Phi châu, các nhóm Hồi giáo cuồng tín thường tấn công và tạo nên tình trạng xuất cư ồ ạt của các cộng đoàn Kitô. Tình trạng này khiến nhiều người tự hỏi về sự sống còn về lâu về dài của Giáo hội tại những vùng chủ yếu ở Phi châu.
Bà Regina Lynch, Chủ tịch quản trị của Tổ chức trợ giúp các Giáo hội đau khổ, tuyên bố rằng: “Phi châu ở nơi trung tâm điểm của bạo lực Hồi giáo cực đoan”.
Đức cha Musa ở miền tây bắc Nigeria, nơi trọng tâm của các tổ chức bạo lực và cực đoan, cho biết: Bên cạnh nhóm thánh chiến Hồi giáo Boko Haram, còn có những dân quân người Fulani, làm nghề chăn nuôi. Nhóm này cũng là một đe dọa lớn cho các Kitô hữu. Đức cha nói: các nhóm cực đoan đó tấn công cả các tín hữu Hồi giáo ôn hòa và Kitô hữu. Trong khoảng thời gian bốn năm, từ 2019 đến 2023, hơn 16.000 tín hữu Kitô đã bị giết.
Đức cha Musa cũng tố giác rằng các Kitô hữu bị kỳ thị trong công ăn việc làm, trong chính trị và trong ngành công lý, vì nhiều bang ở Nigeria có luật Sharia của Hồi giáo. “Những vụ bắt cóc các linh mục và các cộng tác viên của Giáo hội là điều thường xuyên xảy ra. Những vụ tấn công nhà thờ, bắt cóc và sát hại tạo nên lo âu cho các cộng đồng Kitô và thu hút sự chú ý đối với các nhóm cực đoan này”.
Đức cha Musa kêu gọi thực hiện những cố gắng giáo dục về tự do tôn giáo và hòa bình và Tổ chức trợ giúp các Giáo hội đau khổ tích cực hỗ trợ các sáng kiến trong lãnh vực này. Đức cha nói thêm rằng những cuộc bách hại và bạo lực không làm cho việc hành đạo của các Kitô hữu bị giảm sút, trái lại, “Các tín hữu Kitô bị giết đã không đổ máu đào vô ích. Nhiều người bị thu hút vì chứng tá đức tin của họ”.
Xách nhiễu tại Trung Quốc, Ấn Độ và Nicaragua
Bà Chủ tịch Lynch nêu danh Trung Quốc, Eritrea, Iran như những ví dụ cụ thể về những nước hạn chế tự do tôn giáo. Tại các nước này, Kitô hữu bị coi như kẻ thù của nhà nước. Trong phần khác của phúc trình, có nói đến những chính phủ và các tổ chức không thuộc nhà nước. Luật pháp được gia tăng sử dụng để đàn áp các tín hữu Kitô và những nhóm dân thiểu số khác. Đó là tình trạng tại Ấn Độ, do đảng quốc gia Ấn giáo BJP chủ trương. Phúc trình nói đến hơn 850 Kitô hữu Ấn Độ bị bắt.
Ngoài ra, thường xảy ra những vụ các thiếu nữ Kitô bị bắt cóc và cưỡng bách theo Hồi giáo, như tại Pakistan, hoặc nạn trình bày về Kitô hữu một cách coi rẻ trong các sách giáo khoa. Tại Việt Nam, có quan hệ với Tòa Thánh từ năm 2023, người ta ghi nhận có sự cải tiến đối với các tín hữu Kitô.
Phúc trình đặc biệt nói về tình trạng ở Nicaragua. Tại đây, chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega ồ ạt tấn công các Kitô hữu, nhiều nhân viên và cộng tác viên của Giáo hội bị bắt, nhiều linh mục và giám mục bị trục xuất.
Bà Chủ tịch Lynch của Tổ chức trợ giúp các Giáo hội đau khổ kết luận rằng: “tình trạng Kitô hữu tại nhiều nước trở nên xấu hơn”. Bà cũng nhận xét rằng không phải chỉ có các tín hữu Kitô mới bị kỳ thị và bách hại, nhưng cả các nhóm tôn giáo thiểu số khác.
(KAP 5-12-2024)