Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức báo động vì đã có khoảng 403.000 tín hữu rời bỏ Giáo hội
Đức cha Georg Bätzing, Giám mục Giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, báo động vì trong năm qua, 2023, khoảng 403.000 tín hữu Công giáo đã làm đơn xin rời bỏ Giáo hội và ngài kêu gọi cấp thiết tiến hành công cuộc cải tổ.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Hôm 27 tháng Sáu vừa qua, Hội đồng Giám mục Đức công bố thống kê cho biết con số trên đây, tính đến ngày 31 tháng Mười Hai năm ngoái. Con số này thấp hơn năm trước đó. Năm 2022, có gần 523.000 người Công giáo rời bỏ Giáo hội, một con số kỷ lục trong lịch sử Giáo hội tại nước này. Nếu tính cả con số những tín hữu qua đời, và gia nhập Giáo hội, thì trong năm qua, Giáo hội Công giáo Đức suy giảm gần 592.000 tín hữu, và tổng số tín hữu Công giáo tại nước này là 20 triệu 345.000 tín hữu. Nếu tính từ năm 2019, là năm bắt đầu Con đường Công nghị của Công giáo Đức, thì đã có một triệu 800.000 tín hữu xin ra khỏi Giáo hội.
Giáo hội Công giáo Đức trong năm ngoái, có 11.702 linh mục, tức là giảm 285 linh mục so với năm 2022 trước đó. Trong năm ngoái, có 38 tân linh mục, gồm 34 linh mục triều và 4 linh mục dòng. Tỷ lệ giáo dân tham dự các buổi lễ ở nhà thờ có phần gia tăng so với năm trước đó, tức là 6,2%, so với 5,7%.
Về phía Tin lành: năm ngoái có 380.000 tín hữu rời bỏ Giáo hội, và số người qua đời là 340.000 người. Tỷ lệ Tin lành xin ra khỏi Giáo hội năm ngoái tăng gần 2% so với năm 2022. Như vậy, tính đến cuối năm ngoái, tại Đức, có 18 triệu 600.000 tín hữu thuộc 20 Giáo hội tiểu bang.
Đứng trước những con số của Giáo hội Công giáo, Đức cha Georg Bätzing báo động và nói rằng: “Những dữ kiện đó cho thấy Giáo hội lâm vào trong một cuộc khủng hoảng sâu rộng. Tuy nhiên, cam chịu, co cụm hoặc lo lắng không phải là câu trả lời cho tình trạng đó. Dù trở nên nhỏ bé hơn, Giáo hội vẫn có sứ mạng loan báo Tin mừng, loan báo Thiên Chúa yêu thương, sáng tạo và giải thoát. Giáo hội cần cấp thiết cải tổ để phục hồi sự tin tưởng của các tín hữu nơi khả năng thay đổi của Giáo hội. Nguyên các cuộc cải tổ mà thôi, vẫn không đủ đề loại bỏ tình trạng khủng hoảng của Giáo hội, nhưng những cuộc khủng hoảng sẽ trở nên trầm trọng hơn, nếu Giáo hội không cải tổ. Vì thế, cần cấp thiết thay đổi. Các nghiên cứu cho thấy rằng dân ở Đức trước sau vẫn đặt nhiều mong đợi nơi Giáo hội, trong lãnh vực xã hội hoặc giáo dục. Chúng ta phải để ý đến những mong đợi và để ý đến các lãnh vực, khi chúng ta tự hỏi đâu là những ưu tiên chúng ta cần thực hiện, một khi các tài nguyên trở nên ít ỏi hơn”.
Đức cha Bätzing cổ võ nghiên cứu những lãnh vực tương lai, đưa Giáo hội đến gần hơn cuộc sống cụ thể của con người và các gia đình.
(KNA 27-6-2024)