Các thủy thủ người Ucraina lo âu

Photo: stellamaris.org.uk

Theo Hội Stella Maris, Sao Biển, chuyên làm việc mục vụ cho dân biển, các thủy thủ người Ucraina đang cảm thấy bị “xuống tinh thần và lo âu vì chiến tranh, cô đơn gia tăng và sợ sẽ bị xung vào quân ngũ khi họ trở về nước”.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ucraina hồi năm 2014 và tổng tấn công nước này hồi tháng Hai năm 2022. Hiện nay, Nga gia tăng các cuộc oanh kích và cả Ucraina cũng tìm cách đáp trả. Các cuộc giao tranh gia tăng ở miền đông Ucraina. Nước này đang cần gia tăng quân số để có thể chống lại cuộc tấn công của Nga. Theo đài BBC, có 650.000 người Ucraina ở tuổi có thể bị xung vào quân ngũ đã trốn khỏi nước này trong vòng hai năm qua. Ngoài ra, có khoảng 77.000 thủy thủ Ucraina, làm việc trên các tàu, và họ giữ một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, chiến cuộc kéo dài có nghĩa là họ có thể bị bắt đi lính.

Hiện nay, chính phủ Ucraina đã hạ tuổi xung vào quân ngũ từ 27 xuống 25 tuổi và hy vọng có thể động viên được 300.000 người.

Cha Gregory Hogan, thuộc Hội Sao Biển, Tuyên úy các thủy thủ và dân biển ở cảng Southampton và các hải cảng khác ở miền nam Anh quốc, nói rằng các thủy thủ Ucraina đang chịu tình trạng gia tăng căng thẳng và xuống tinh thần: “Thời kỳ đầu của chiến tranh hồi tháng Hai năm 2022, do cuộc xâm lăng của Nga, họ lo lắng về gia đình và bạn hữu và làm sao giúp thân nhân ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngày nay, họ phải đương đầu với những sức ép của hơn hai năm chiến tranh. Đó là một tình trạng xuống tinh thần và lo âu không có viễn tượng kết thúc trước mắt. Thêm vào đó, nhiều người thực sự lo lắng có thể bị bắt đi lính nếu họ trở về nhà”.

Hồi tháng Mười Hai năm ngoái, Tổng thống Zelensky tuyên bố quân đội Ucraina muốn động viên tới nửa triệu người. Hiện nay, đã có khoảng một triệu người nước này ở trong quân đội và trong đó có khoảng 300.000 quân ở tiền tuyến. Một dự luật mới vừa được Quốc hội Ucraina thông qua, hôm 11 tháng Tư vừa qua, hạ tuổi động viên từ 27 xuống 25 tuổi.

Cha Hogan cho biết việc cải tiến Wi-Fi ở Ucraina càng có thể gia tăng tình trạng lo lắng và cảm tưởng bất lực cho các thủy thủ Ucraina ở nước ngoài khi họ theo dõi các cơ quan truyền thống và những tin thức về chiến tranh ở quê nhà. Cha nói: “Tôi đã gặp một thuyền trưởng đến gặp tôi và ông bắt đầu khóc!” “Mẹ vợ của ông đang ở trong một vùng ngày càng bị Nga dội bom và ông không nghe được tin tức gì về bà, trong khi ông có trách nhiệm điều khiển con tàu ở đây. Chúng tôi cũng thấy nhiều thủy thủ Ucraina bị kiệt sức rồi! Nay họ có thể có đủ loại thông tin, hơn trước rất nhiều, và thường phải nghe biết những tin tức càng làm cho họ xuống tinh thần... Khi nghe biết những tin tức ấy họ cảm thấy bất lực, không làm được gì. Tình trạng này khiến họ lo âu. Chúng tôi đã thấy những thủy thủ rất xuống tinh thần, vì họ không được tin của vợ hoặc của người yêu hay thân nhân trong 24 giờ qua. Họ có thể lo lắng suốt đêm nhưng vẫn phải làm việc sáng hôm sau trong một vai trò đòi rất nhiều cố gắng”.

Theo Hội Sao biển, hồi đầu chiến tranh, nhiều người Ucraina trở về nhà để lo cho gia đình được an ninh. Nhưng rồi rất ít người có thể trở lại biển vì phải ở lại và chiến đấu. Số người Ucraina làm nghề biển giảm sút 19% kể từ đầu chiến tranh đến nay.

(Crux Now 12-4-2024)

Tags