Các thổ dân Bunong bên Campuchia sẽ có một thánh đường
Các tín hữu Công giáo thổ dân ở khu vực Bunong bên Campuchia sẽ có một thánh đường để cử hành việc thờ phượng.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đây là vùng Keo Seima, một khu vực rừng nhiệt đới được bảo vệ ở miền đông Campuchia thuộc tỉnh Mondulkiri và Kratié, chỉ cách biên giới Việt Nam, tỉnh Phước Long, 20 cây số, với đa số là thổ dân Bunong vốn theo đạo thờ vật linh.
Hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng, truyền đi hôm mùng 10 tháng Hai vừa qua, đưa tin: ngày 01 tháng Hai trước đó, Đức ông Pierre Hangly Suon, Phủ doãn Tông tòa Kampong Cham, đã chủ sự thánh lễ với nghi thức đặt viên đá đầu tiên ở Keo Seima để xây dựng một nhà thờ Công giáo đầu tiên tại đây. Tham dự thánh lễ, có các linh mục và nữ tu cùng với hơn 150 tín hữu Công giáo đến từ các cộng đoàn trong miền Mondulkiri.
Đức ông Hangly Suon giải thích rằng việc xây cất thánh đường này là để đáp ứng số tín hữu trong lãnh thổ này ngày càng gia tăng với 70 giáo dân, 15 giáo lý viên, con số này có thể còn gia tăng, theo ý định của Chúa. Thánh đường này sẽ là “một trung tâm làm lan tỏa Tin mừng, một điểm của ánh sáng và Tin mừng, để loan báo tình thương của Thiên Chúa cho mọi người ở khu vực lân cận. Chúng ta hãy làm sao để nhà thờ nhỏ bé này, nhất là thánh đường được làm bằng con người, trở thành ánh sáng ân phúc của Thiên Chúa cho những người ở quanh chúng ta, để họ có thể nhận biết Chúa Kitô và được Chúa cứu độ”.
Cha Jean Marie Vianney Borei Phan, linh mục đặc trách cộng đoàn Mondulkiri đã kể lại nguồn gốc cộng đoàn Công giáo Bunong ở Keo Seima: năm 2009, một vài thành phần ở Bunong sang Việt Nam, và họ được biết một cộng đoàn Công giáo địa phương, cũng như một số người sống đức tin, giúp đỡ các bệnh nhân và người nghèo. Vào cuối tháng Mười Hai cùng năm 2009. hai gia đình ở Bunong ở Keo Seima đã đón nhận đức tin Công giáo và năm 2010, họ gặp linh mục phụ trách cộng đoàn ở tỉnh Mondulkiri. Thế là bắt đầu một công trình mục vụ và thừa sai bé nhỏ nơi những thổ dân địa phương, với một cứ điểm truyền giáo đầu tiên. Bây giờ chính quyền tỉnh đã cho phép xây một thánh đường bằng gạch.
Trong buổi lễ, Đức ông Phủ doãn Tông tòa đã đặt hai viên đã: viên thứ nhất đến từ làng Gali, nơi đã khởi sự việc loan báo đức tin ở Mondulkiri; viên thứ hai đến từ giáo xứ Lak Loeng ở Banam, thuộc Phủ doãn Kampon Cham, một giáo xứ cổ kính nhất nước, được thành lập cách đây 160 năm. Công trình xây cất nhà thờ dự kiến sẽ kéo dài gần một năm, và các thổ dân bản xứ bày tỏ sự sẵn sàng cộng tác vào công trình này.
Theo Niên giám Tòa Thánh, Phủ doãn Tông tòa Kampong Cham chỉ có khoảng 3.200 tín hữu Công giáo trên tổng số năm triệu 800.000 dân với mười hai giáo xứ, ba linh mục giáo phận và mười một linh mục dòng.
Đức ông Hangly Suon, 54 tuổi (1972) là người Campuchia bản xứ đầu tiên được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Phủ doãn Tông tòa Kampong Cham, và đã nhậm chức ngày 01 tháng Mười năm 2022, kế nhiệm cha Bruno Cosme, thuộc Hội thừa sai Paris. Thánh lễ nhậm chức do Đức Tổng giám mục Phaolô Trương Nhân Nam (Tschang In-Nam), người Hàn Quốc, Sứ thần Tòa Thánh tại Campuchia chủ sự, với sự đồng tế của sáu mươi linh mục toàn quốc.
Giáo hội Công giáo tại Campuchia có khoảng 20.000 tín hữu trên tổng số mười sáu triệu dân cư.
(Fides 10-2-2024)