Phút Cầu Nguyện, Thứ Sáu 05/07/2024: Cần có một tấm lòng
Thời sinh viên, trong một lần đi thăm những bệnh nhân nhiễm HIV tại Củ Chi, tôi gặp một người đàn ông trạc tuổi trung niên. Tuy nhiên nhìn anh ta hom hem gầy guộc như một ông lão. Lúc đầu gặp anh, tôi hỏi gì anh cũng không buồn đáp, tỏ vẻ bất cần. Tôi kiên nhẫn nán lại gợi chuyện. Sau một hồi khá lâu anh mới nói chuyện cởi mở hơn. Với vẻ mặt khá buồn, anh nói rằng anh rất hối hận vì những quyết định nông nổi của tuổi trẻ để rồi cuộc đời của anh phải đến bước đường như thế này.
Vốn là một cậu ấm trong gia đình giàu có, anh ta cũng là một người khá thông minh nên không khó khăn gì trong việc trở thành sinh viên của Trường Đại Quốc Gia. Anh là một người hiền lành dễ tin, lại thêm gia đình cung cấp đầy dư tiền bạc nên anh đã bị các bạn bè xấu phỉnh gạt. Dần theo chúng bạn, anh đã trở thành con nghiện thay vì là sinh viên. Rất ý thức sự sai đường lạc lối của mình, anh nghe lời gia đình vào trung tâm cai nghiện với quyết tâm làm lại cuộc đời. Sau thời gian anh cũng đã cắt được cơn nghiện, trở về với gia đình. Anh không bao giờ quên thời khắc bước chân vào căn nhà của mình. Mọi người dành cho anh một tình cảm nồng nàn, ấm áp và một bữa tiệc nhỏ được bày ra như một dấu ấn đón chào anh hồi sinh.
Tuy nhiên, tình yêu thương của mọi người trong gia đình dành cho anh càng nhiều bao nhiêu thì anh càng bị áp lực bấy nhiêu. Quả vậy, hàng xóm láng giềng dòm ngó, chỉ chỏ, xì xầm nhà bà Ba có đứa con bị nghiện, nó về nhà rồi mọi người nên cẩn thận v..v…. Dường như hàng xóm không chỉ xa lánh anh mà còn xa lánh cả những người trong gia đình anh. Không thể để gia đình bị tiếng ra tiếng vào vì mình, anh quyết định ra đi tìm một nơi khác để làm lại cuộc đời. Thế nhưng cuộc đời đâu như anh muốn. Xa gia đình, thất nghiệp, bạn bè rủ rê và anh đã nghiện trở lại, nặng hơn. Rồi anh bị nhiễm, kết thúc một cuộc đời.
Quý vị và các bạn thân mến!
Khi nghe về cuộc đời của người đàn ông trong câu chuyện trên chúng ta cảm thấy tiếc nuối. Tiếc cho một sinh viên giỏi, tiếc cho một người có ý chí đã cắt được cơn nghiện và tiếc cho một người cố gắng quyết tâm rời xa những lời thị phi để làm lại cuộc đời nhưng cuối cùng vẫn không thể vượt qua sự yếu đuối của bản thân. Tuy nhiên, có lẽ điều chúng ta tiếc nuối lớn nhất đó là việc hòa nhập cộng đồng của anh không thành công. Quả thật, đây là nguyên nhân chính để người đàn ông này có cái kết như hiện tại. Giá như ngày ấy, những người hàng xóm kia bớt đi những ánh mắt kỳ thị, bớt đi những thái độ xa lánh, bớt đi những lời dị nghị,…. thay vào đó là một tấm lòng rộng mở, cảm thông, nâng đỡ thì có lẽ ngày hôm nay anh ta trở thành một tình nguyện viên chăm sóc những bệnh nhân bị nhiễm; hoặc là một chứng nhân sống động vượt thắng cơn nghiện để tiếp thêm động lực cho những ai đang rơi vào hoàn cảnh như anh ta trước đây. Qua đó, chúng ta thấy rằng cách hành xử của người này phần nào mang tính quyết định cuộc đời của người kia hoặc là cứu sống hoặc là giết chết. Người xưa thường nói: “Miệng lằn, lưỡi mối nào yên. Xa nhau cũng bởi láng giềng gièm pha”. Chính vì thế, ông bà ta thường dạy: “Có câu tích đức tu nhân. Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri”
Câu chuyện của Lê vi mà thánh sử Matthêu và cũng chính là Lêvi đã thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay minh chứng tình yêu có thể cứu sống con người. Lê vi là một người thu thuế cho đế quốc Roma, là đế quốc đang đô hộ người Do Thái. Những người làm việc cho họ đều được liệt vào nhóm người bán nước cầu vinh. Những hạng người này bị dân chúng né tránh, loại trừ và ghét bỏ. Thế nhưng, Lê vi lại may mắn có được tấm lòng bao dung, rộng mở của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã nhìn thấy ông, đã gọi chính tên ông. Chính sự quan tâm, cảm thông ấy đã đánh thức Lê vi, ông đã đứng lên bỏ lại tất cả những sai lầm trong quá khứ để bắt đầu một cuộc đời mới. Chính sự thấu cảm, đỡ nâng và lòng thương xót của Đức Giê su đã giúp Lê vi vượt qua sự tự ti, mặc cảm, gạt bỏ ngoài tai những lời nói không hay, những cử chỉ không đẹp của những người xung quanh. Ông đã mạnh dạn, tự tin, sửa đổi để bắt đầu lại một cuộc đời mới đó là trở thành môn đệ của Đức Giêsu
Thánh Matthêu đã có một kết thúc có hậu, khi dám can đảm buông mình vào lòng thương xót của Đức Giêsu còn người đàn ông kia lại mắc kẹt trong những lời gièm pha và những ánh mắt không thiện cảm của mọi người xung quanh. Điều này nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ thất vọng, buông xuôi vì vẫn còn đó người yêu thương, thấu hiểu chúng ta đó là gia đình. Hoặc nếu tất cả mọi người đều xa tránh thì chúng ta vẫn còn tình yêu thương ấp ủ của Thiên Chúa vì Ngài đã khẳng định: “dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv26, 10).
Thật vậy, Thiên Chúa đã không bỏ chúng ta bao giờ, trái lại Ngài lấy lòng bao dung, nhân hậu che chở chúng ta. Và Thiên Chúa cũng bày tỏ ý muốn của Ngài: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế”. Nghĩa là Thiên Chúa muốn chúng ta đối xử với nhau bằng tấm lòng nhân ái. Đó mới là điều quan trọng và cần thiết nhất, như lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã viết “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Chính tấm lòng của chúng ta có thể cứu sống, có thể làm thay đổi cuộc đời của một con người vì tình thương mang lại một sức mạnh kì diệu và nhiệm mầu. Thật vậy, là một con người, không ai hoàn hảo cũng như: “đất chỗ bồi chỗ lở, ngựa con dở con hay”. Chúng ta cũng rất cần tấm lòng bao dung, thấu hiểu của người khác. Cho nên, chúng ta hãy rộng mở tấm lòng của mình để trao ban tình yêu thương, sự đồng cảm mà không so đo toan tính để chúng ta cũng được nhận về tấm lòng quảng đại của mọi người.
Lạy Chúa, sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Một tấm lòng yêu thương đón nhận tất cả anh chị em của mình, một tấm lòng để đỡ nâng những ai vấp ngã và một tấm lòng để yêu thương tha thứ và một tấm lòng sưởi ấm những con tim giá băng. Amen.
Bích Liễu