Phút Cầu Nguyện, Thứ Bảy 04/01/2025: Dấu chỉ hy vọng cho người di cư
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Quyển tiểu thuyết “The Namesake”, dịch sang tiếng Việt là “Người cùng tên” của nữ văn Jhumpa Lahiri, là một tiểu thuyết sâu sắc về sự tìm kiếm niềm hy vọng của những người di cư. Quyển tiểu thuyết kể về đôi vợ chồng trẻ tên là Ashoke và Ashima, đã di cư từ Calcutta (Ấn Độ) sang Mỹ vào cuối thập niên 1960. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với xã hội Mỹ, từ ngôn ngữ đến phong tục tập quán, nhưng vẫn cố gắng giữ gìn những giá trị văn hóa Ấn Độ trong gia đình. Khi sinh ra đứa con trai đầu lòng, họ quyết định đặt tên cho cậu bé là Gogol. Tên gọi này không phải là tên Mỹ và cũng không phải là tên Ấn Độ nên Gogol thường bị bạn bè chế giễu.
Sau cái chết của cha mình, Gogol mới được biết rằng tên gọi của mình có ý nghĩa sâu sắc hơn những gì cậu từng nghĩ. Thì ra, trước đây, cha của Gogol đã gặp tai nạn lật tàu. Ngay thời điểm gặp nạn, trên tay ông đang cầm một quyển sách của Nikolai Gogol, một văn sĩ người Nga nổi tiếng. Quyển sách ấy đã cứu ông khỏi một vết thương chí mạng nên khi đứa con trai đầu lòng chào đời, ông đã quyết định đặt tên cho cậu là Gogol, một cái tên gắn liền với sự sống còn của ông. Gogol bắt đầu nhận ra cái tên Gogol của mình chính là di sản của cha, là món quà mà cha mình đã để lại. Từ đó, cậu đã không còn cảm thấy xấu hổ với tên gọi của mình nữa, nhưng bắt đầu trân trọng nó như là việc chấp nhận quá khứ của gia đình mình, và đón nhận sự pha trộn giữa hai nền văn hóa.
Với nội dung đó, quyển tiểu thuyết này giúp chúng ta cảm thông được những khó khăn của họ khi hòa nhập vào một xã hội mới.
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Di cư là một trong những vấn đề lớn và đầy thách thức của nhân loại và thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đây là hiện tượng những người từ quốc gia này di chuyển sang quốc gia khác, hoặc từ khu vực này sang khu vực khác, vì nhiều lý do như: trốn tránh chiến tranh, bạo lực, thiên tai, hay muốn tìm kiếm cơ hội để học hành và làm việc có thu nhập cao. Trong hoàn cảnh sống mới, người di cư thường phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập vào xã hội mới. Họ phải làm quen với một nền văn hóa mới, và lối sống hoàn toàn mới, thậm chí là ngôn ngữ mới, và phải đối diện với vấn đề duy trì bản sắc văn hóa của mình trong một xã hội đa văn hóa. Do vậy, trong cuộc hành trình chuyển mình mới mẻ này, họ cần lắm những dấu chỉ đem đến cho họ niềm hy vọng về sự thành công của mình ở phía trước. Trong quyển tiểu thuyết “Người cùng tên” được đề cập bên trên, người cha đã xem quyển sách của nhà văn Gogol khi cứu ông thoát chết là biểu tượng của sự may mắn. Cho nên, ông đã đặt cho con trai mình tên gọi đó với niềm hy vọng rằng con trai ông cũng sẽ làm nên những điều tốt đẹp và hữu ích cho tha nhân.
Dấu chỉ hy vọng là những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng có sức mạnh lớn lao đem đến cho con người niềm tin vào tương lai tươi sáng dù hiện tại trước mắt là đêm đen tăm tối. Có lẽ mỗi người chúng ta cũng ít nhiều có những kinh nghiệm về sự di cư. Đó có thể là di cư từ đất nước này sang đất nước kia, từ vùng đất này sang vùng đất khác hoặc không cần phải cất bước đi đâu xa, khi tư duy của chúng ta thay đổi từ những suy nghĩ tiêu cực, bảo thủ và ích kỷ, chuyển sang một lối nghĩ tích cực, cởi mở và quảng đại là chúng ta đã tìm đến được vùng đất mới của tự do, bình an và sung túc.
Quan tâm và cảm thông, nâng đỡ những người di cư cũng là vấn đề mà Đức Thánh cha Phanxicô quan tâm trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh thường lệ 2025 Spes Non Confundit. Ngài nói rằng: “Cũng phải có những dấu chỉ hy vọng cho những người di cư phải rời bỏ quê hương mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình”. Ngài cũng bày tỏ niềm mong ước những kỳ vọng của người di cư không tiêu tan bởi những thành kiến và sự khép kín; và mong muốn nhân loại mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người vì phẩm giá của họ, và không ai bị tước đoạt quyền xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn (x. Spec Non Confundit, số 13).
Lạy Chúa Giêsu rất đỗi yêu mến, trong cuộc hành trình của đời mình, xin giúp chúng con nhận ra những dấu chỉ hy vọng nơi những con người bình thường và những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Nhờ đó, chúng con sẽ tìm thấy hy vọng trong những khoảnh khắc gần gũi với gia đình, trong những cuộc trò chuyện thân tình với những người cô đơn, thất vọng, và trong chính những thăng trầm, thử thách của đời mình để cũng trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng cho tha nhân. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTG Chợ Quán