Hội nghị Thượng đỉnh COP28 của Liên Hiệp Quốc về sự thay đổi khí hậu

Photo: Vatican News

Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc, về sự thay đổi khí hậu đang diễn ra trong những ngày này tại Dubai.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Bài diễn văn của Đức Thánh cha Phanxicô về hội nghị này đã được Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, trình bày trong hội nghị được tiến hành trong gần hai tuần lễ, từ ngày 30 tháng Mười Một đến ngày 12 tháng Mười Hai tới đây, với sự tham dự của ít nhất 70.000 người, trong đó có các chuyên gia các nước, các nhà thương thuyết, các tác nhân xã hội và những người tranh đấu cho khí hậu. Nhiều vị nguyên thủ quốc gia cũng có mặt tại Hội nghị này, kể cả Vua Charles III của Anh quốc, Tổng thống Lula da Silva của Brazil, tiếng nói của miền Amazonia, nhưng lãnh tụ hai nước bị coi là gây nhiều ô nhiễm nhất cho khí hậu, là Mỹ và Trung Quốc không có mặt và chỉ có các phái viên của họ.

Trong phần mở đầu của Hội nghị COP28, các vị quốc trưởng và thủ tướng lên tiếng qua các diễn văn. Các vị thường dùng cơ hội này để lưu ý thế giới về những ưu tiên trong các cuộc thương thuyết sau đó hoặc thông báo những hành động mới hoặc những đầu tư để cắt giảm số lượng thán khí thải ra, tạo nên sự thay đổi khí hậu.

Ví dụ, bà Thủ tướng Ý, bà Giorgia Meloni, trong bài phát biểu, đã nói rằng ‘Nước Ý đang thi hành phần của mình trong tiến trình giải trừ carbon theo cách thức thực dụng, với lối tiếp cận tôn trọng tính trung lập về công nghệ, không theo chủ trương cực đoan: vì nếu chúng ta muốn có hiệu quả, cần có sự bền vững về môi trường, không làm thương tổn lãnh vực kinh tế và xã hội, một quá trình chuyển đổi sinh thái không theo ý thức hệ”.

Trong khi đó có khoảng 20 quốc gia, ra tuyên ngôn chung, đề nghị gia tăng gấp ba năng lượng hạt nhân trước năm 2050, để giảm bớt việc lệ thuộc than đá và khí đốt để sản xuất năng lượng. Trong số các quốc gia này, có Mỹ, Pháp, Emirati.

Ông John Kerry, đặc ủy của chính phủ Mỹ về vấn đề khí hậu, đã cho biết như trên tại Dubai, cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và Thủ tướng Alexander De Croo của Bỉ.

Trung Quốc và Nga ngày nay là những nước chính trong việc kiến thiết các trung tâm hạt nhân trên thế giới, nhưng không ký vào tuyên ngôn vừa nói.

Chỉ tiêu giảm nhiệt độ

Có nhiều phúc trình nói rằng các nước vẫn còn có thể ngăn chặn các ảnh hưởng tàn phá do sự thay đổi khí hậu, khi nó vượt quá mức độ 1,5 độ C hâm nóng trái đất. Để được vậy, cần có những hoạt động quan trọng trong thập niên này, trong đó có biện pháp không phát triển nhiên liệu phiến thạch và không làm gia tăng mức độ khí thải trên thế giới. Trái đất đã bị hâm nóng thêm từ 1,1 độ lên 1,2 độ, tính từ cuối thế kỷ XIX cho đến nay và dự kiến sẽ tăng lên mức độ trung bình 1,5 độ C trong thập niên 2030 sắp tới.

(Ansa 2-12-2023)

Tags