Đức Thánh cha kêu gọi: “Chúng ta hãy ra khỏi đêm đen chiến tranh và những tàn phá về khí hậu”

Đức Thánh cha Phanxicô đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong diễn văn được Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên đọc thay tại Hội nghị COP28 của Liên Hiệp Quốc, diễn ra ở Dubai về sự thay đổi khí hậu, trước sự hiện diện của các vị quốc trưởng, thủ tướng chính phủ và đại diện của khoảng 190 nước trên thế giới.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Lẽ ra, Đức Thánh cha đích thân đọc diễn văn này, nhưng vì lý do sức khỏe ngài không thể đến để hiện diện được.

Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “sự tàn phá thiên nhiên, công trình tạo dựng, là một xúc phạm đến Thiên Chúa”. Vì thế, trong một thời điểm cấp thiết như hiện nay, Đức Thánh cha kêu gọi tất cả các nước họp nhau tại Hội nghị này.

Sau khi viết Thông điệp Laudato sì, công bố vào dịp Hội nghị Thượng đỉnh COP21 ở Paris, và Tông huấn Laudate Deum, trước Hội nghị COP28 này, mà ngài đã có ý định đích thân can dự, nhưng tiếc là điều này không xảy ra được. Đức Thánh cha viết: “Tôi không thể hiện diện cùng quý vị như tôi mong ước, nhưng tôi hiện diện với quý vị qua diễn văn này vì đây là giờ cấp thiết.... Sự tàn phá thiên nhiên là xúc phạm đến Thiên Chúa, một tội không những là tội bản thân, nhưng còn là một tội cơ cấu, đổ xuống trên con người, nhất là những người yếu thế nhất, một nguy hiểm đổ xuống mỗi người và có nguy cơ tạo nên một cuộc xung đột giữa các thế hệ”.

Phục vụ văn hóa sự sống

Trong bối cảnh đó, Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Chúng ta đang làm việc cho một nền văn hóa sự sống hay là chết chóc”, và ngài sử dụng những luận chứng thường được áp dụng cho vấn đề các luật lệ liên quan đến sự sống, như phá thai và làm cho chết êm dịu và nay áp dụng cho một đề tài rộng lớn và bao quát hơn. Nền văn hóa sự sống, đối với Đức Thánh cha, là chăm sóc căn nhà chung của nhân loại, Đức Thánh cha nói: “Chúng ta hãy lắng nghe tiếng kêu than của trái đất, chăm chú nghe tiếng kêu của những người nghèo, ghé tai nghe những hy vọng của giới trẻ và giấc mơ của các trẻ em! Chúng ta hãy có một trách nhiệm lớn: đó là bảo đảm cho các em một tương lai không tiêu cực”.

Đức Thánh cha nhắc lại rằng “Điều rõ ràng là những thay đổi khí hậu hiện nay đến từ sự hâm nóng trái đất, phần lớn do sự gia tăng các thán khí trong khí quyển, và sự gia tăng này là do các hoạt động của con người: trong những thập niên gần đây, hoạt động của con người đã trở nên không thể chịu nổi cho hệ thống sinh thái”. Vì thế, Đức Thánh cha phê bình và chống lại “lòng ham hố sản xuất và sở hữu”, đã “biến thành một sự ám ảnh và biểu lộ trong một sự tham lam vô độ”. Môi trường sống bị bóc lột, “trong khi đó khí hậu trở nên điên loạn, xuất hiện như một lời cảnh giác hãy chấm dứt sự điên rồ muốn trở thành quyền năng”.

Chống chia rẽ

Theo Đức Thánh cha Phanxicô, chính những chia rẽ cản trở hành trình tiến về sự chăm sóc căn nhà chung. Nhưng thực tế là “Trái đất chúng ta tất cả đều có liên hệ với nhau như thế giới ngày nay: có những người có lập trường cứng nhắc, không uyển chuyển, có xu hướng bảo vệ lợi lộc và xí nghiệp của họ, đôi khi họ biện mình cho mình dựa trên những gì người khác đã làm trong quá khứ, với những đổ lỗi trách nhiệm cho nhau”.

Phê bình việc đổ lỗi cho người nghèo

Đặc biệt, Đức Thánh cha phê bình “những toan tính đổ trách nhiệm trên bao nhiêu người nghèo và trên sự sinh sản của họ”. Đó là những biện luận cần quyết liệt loại bỏ. Ngài viết: “không phải lỗi của người nghèo, vì gần một nửa dân số thế giới, những người nghèo nhất, chỉ có trách nhiệm đối với gần 10% số thán khí ô nhiễm, trong khi hố chia cách giữa người giàu và người nghèo chưa bao giờ sâu rộng như ngày nay”. Đúng hơn, những người nghèo, các thổ dân, những người đói, sống trong tình trạng bất an về nước và lương thực, những làn sóng di dân bị ép buộc, chính là nạn nhân. Cả vấn đề sinh sản, đây không phải là một vấn đề, nhưng là một tài nguyên: người nghèo không chống lại sự sống nhưng ủng hộ sự sống, trong khi một số kiểu mẫu ý thức hệ duy lợi lích được áp đặt bằng những găng tay bọc nhung trên các gia đình và các dân tộc, chính là sự thực dân hóa đích thực”.

Trong diễn văn, Đức Thánh cha Phanxicô cũng yêu cầu đừng gây hại cho sự phát triển của bao nhiêu nước, vốn đã bị thiệt hại nặng vì những món nợ kinh tế. Ngài cũng nói về sự cần thiết xác định những cách thức thích hợp để tha những món nợ đè nặng trên các dân tộc, kể cả dưới ánh sáng những món nợ về môi trường đối với họ.

(Sala Stampa 2-12-2023)