Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Tôi muốn cám ơn bao nhiêu bà mẹ, bà nội-ngoại thông truyền Tin mừng cho con cháu

Photo: Vatican Media

Sau một tuần lễ tạm ngưng, sáng thứ Tư, ngày 23 tháng Tám năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô mở lại các cuộc tiếp kiến chung hằng tuần. Trời nóng nực và số tín hữu tham dự tương đối ít nên ngài tiếp kiến tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, thay vì tại Quảng trường thánh Phêrô. Dầu vậy, cũng có hơn sáu ngàn người tham dự.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Như thường lệ, buổi tiếp kiến được mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa được công bố trong tám ngôn ngữ khác nhau, qua bài đọc ngắn trong Tin mừng theo thánh Matthêu, đoạn thứ 11 (25-27).

Khi ấy Chúa Giêsu nói: “Lạy Cha là Chúa Trời Đất, con chúc tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

“Cha đã giao phó mọi sự cho Thầy, Và không ai biết rõ Con trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, từ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho”.

Bài huấn giáo

Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về “sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”. Bài thứ mười tám này mang tựa đề: “Loan báo bằng tiếng mẹ: Thánh Juan Diego, sứ giả của Đức Mẹ Guadalupe”.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đức Mẹ Guadalupe, nguồn sinh động của việc truyền giáo

Trong hành trình của chúng ta khám phá lòng hăng say loan báo Tin mừng, hôm nay chúng ta nhìn tới Mỹ châu. Tại đây, việc loan báo Tin mừng có một nguồn mạch luôn sinh động, đó là Đức Mẹ Guadalupe. Tuy Tin mừng được truyền tới đây trước những cuộc hiện ra, nhưng công trình ấy có kèm theo những lợi lộc trần tục để chinh phục. Thay vì con đường hội nhập văn hóa, người ta đi theo con đường vội vã, mang đến và áp đặt những kiểu mẫu đã có sẵn, thiếu tôn trọng đối với các thổ dân bản địa. Trái lại, Đức Mẹ Guadalupe hiện ra với y phục của các thổ dân, nói ngôn ngữ của họ, đón nhận và yêu mến nền văn hóa địa phương: Ngài là Mẹ và dưới áo choàng của Mẹ có chỗ cho mọi con cái. Trong Mẹ Maria, Thiên Chúa nhập thể làm người, và qua Mẹ Maria, Chúa tiếp tục nhập thể trong đời sống của các dân tộc. Thực vậy, Đức Mẹ loan báo Thiên Chúa trong ngôn ngữ thích hợp nhất. Và tôi muốn cám ơn bao nhiêu bà mẹ và các bà nội ngoại thông truyền Tin mừng cho các con cháu: đức tin được thông truyền qua cuộc sống. Vì thế, các bà mẹ và các bà nội ngoại là những người loan báo đầu tiên. Và như Mẹ Maria cho thấy, sự thông truyền diễn ra trong sự đơn sơ: Đức Mẹ luôn đón tiếp những người đơn sơ, trên đồi Tepeyac ở Mêhicô, cũng như tại Lộ Đức và Fatima: Mẹ nói với họ, nói với mỗi người, trong ngôn ngữ thích hợp với mọi người, dễ hiểu, như ngôn ngữ của Chúa Giêsu.

Chứng tá của thánh Juan Diego

“Bây giờ, chúng ta hãy dừng lại chứng tá của thánh Juan Diego, sứ giả của Đức Mẹ Guadalupe. Thánh nhân là người khiêm hạ, một thổ dân: Chúa đã nhìn đến ông. Ngài là Đấng ưa thực hiện những kỳ công qua những người bé mọn. Juan Diego đến với đức tin khi đã lớn và có gia đình. Hồi tháng Mười Hai năm 1531, ông vào khoảng 55 tuổi. Trong khi đi đường, ông thấy trên đồi, Mẹ Thiên Chúa thân ái gọi ông “người con nhỏ Juanito rất quý mến của Mẹ” (Nican Mopohua, 23). Rồi Đức Mẹ gửi ông đến gặp Đức giám mục để thỉnh cầu xây cất một đền thờ tại đó, nơi Mẹ hiện ra. Juan Diego đơn sơ và sẵn sàng, ra đi với tâm hồn quảng đại và thanh khiết, nhưng phải chờ đợi lâu dài. Sau cùng, ông nói được với Đức giám mục, nhưng không được tin lời. Ông lại gặp Đức Mẹ. Mẹ an ủi ông và yêu cầu ông hãy thử lại. Người thổ dân trở lại gặp Đức giám mục và vất vả lắm mới được gặp. Nhưng lần này, sau khi nghe ông, Đức giám mục giã từ và sai người theo dõi ông. Đó là sự vất vả, thử thách trong việc loan báo: mặc dù nhiệt thành, nhưng xảy ra những điều không lường trước được, như nhiều khi từ chính Giáo hội. Thực vậy, để loan báo, làm chứng điều thiện mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn cần phải biết chịu đựng bất hạnh. Ngày nay cũng vậy, tại bao nhiêu nơi, để hội nhập Tin mừng vào văn hóa địa phương và Phúc âm hóa các nền văn hóa, cần bền chí và kiên nhẫn, cần phải có thái độ không sợ hãi các xung đột, không nản chí. Juan Diego nản chí, xin Đức Mẹ tha cho ông sứ vụ và cử người khác được quý chuộng hơn và có khả năng hơn ông, nhưng ông được mời gọi kiên trì, luôn có nguy cơ đầu hàng trong việc loan báo: xảy ra một điều không ổn và ta thối lui, nản chí và thậm chí rút lui vào những xác tín riêng của mình, trong những nhóm nhỏ và một số việc sùng mộ đạo đức riêng. Trái lại, Đức Mẹ, trong khi an ủi chúng ta, Mẹ làm cho chúng ta tiến bước và nhờ đó làm ta tăng trưởng, như một người mẹ tốt, trong khi theo dõi những bước đi của con, đưa con vào những thách đố của trần thế.

Phép lạ của Đức Mẹ

Được khích lệ như thế, Juan Diego trở lại gặp Đức giám mục và người xin một dấu lạ. Đức Mẹ hứa làm điều đó và an ủi Juan Diego với những lời này: “Con đừng xao xuyến [...] Mẹ chẳng ở đây sao, Mẹ là Mẹ của con?” (ibid. 118-119). Rồi Đức Mẹ bảo ông đi lên đỉnh đồi khô cằn và hái hoa. Đó là mùa đông, nhưng dầu vậy, Juan Diego tìm được những hoa rất đẹp, ông hái và đặt trong áo choàng của ông, dâng cho Mẹ Thiên Chúa và Mẹ mời ông hãy mang cho Đức giám mục, như bằng chứng. Ông ra đi và kiên nhẫn đợi đến lượt và sau cùng trước mặt Đức giám mục, ông mở áo choàng thì thấy xuất hiện ảnh Đức Mẹ, ảnh đặc biệt và sinh động mà chúng ta biết, trong đó đôi mắt của Mẹ còn in những nhân vật bấy giờ. Đó là điều ngạc nhiên của Thiên Chúa: khi có sự sẵn sàng và vâng phục, Chúa có thể thực hiện những điều bất ngờ, theo thời điểm và cách thức mà chúng ta không thể lường trước. Và thế là Đền thánh mà Đức Mẹ yêu cầu đã được kiến thiết.

Juan Diego phục vụ và loan báo

Juan Diego từ bỏ tất cả, và với phép của Đức giám mục, ông dành trọn cuộc đời cho Đền thánh. Ông đón tiếp các khách hành hương và loan báo Tin mừng cho họ. Đó là điều xảy ra tại các Đền thánh Đức Mẹ, đối tượng các cuộc hành hương và là nơi loan báo, nơi mà mỗi người cảm thấy như ở nhà và cảm thấy sự nhớ nhà, nhớ Trời Cao. Tại đó, đức tin được đón nhận một cách đơn sơ và chân thành, bình dân, và Đức Mẹ, như Juan Diego đã nói, lắng nghe những tiếng khóc và cơ cực của chúng ta (Xc ibid., 32). Chúng ta cần đến những ốc đảo an ủi và từ bi ấy, nơi mà đức tin được biểu lộ trong tiếng mẹ; nơi mà những cơ cực của cuộc sống được đặt trong vòng tay của Đức Mẹ và trở lại vui sống với niềm an bình trong tâm hồn.

Chào thăm

Bài huấn dụ trên đây được tóm tắt trong nhiều thứ tiếng cho các nhóm tín hữu thuộc các ngôn ngữ khác nhau, cùng với lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.

Trong lời chào bằng Anh ngữ, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các trẻ em từ đảo Malta đến giúp lễ tại Đền thờ thánh Phêrô trong những tháng hè. Tiếp đến là các thành viên ca đoàn từ Uganda bên Phi châu. Ngài cầu xin Chúa ban niềm vui và an bình trên các tín hữu ấy và gia đình họ.

Bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha nhắc cách riêng các tín hữu hành hương đến từ nước Burkina Faso bên Phi châu và ngài nhắn nhủ mọi người rằng: “Chúng ta hãy học cách lui tới các Đền thánh Đức Mẹ, tại đó, trong tiếng mẹ, chúng ta hãy phó thác những khó khăn trong cuộc sống trong tay Đức Mẹ Maria. Mẹ sẽ an ủi và giúp anh chị em tìm được an bình nội tâm!

Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Trong vài ngày nữa, anh chị em sẽ mừng lễ trọng Đức Mẹ Czestochowa. Ước gì Đấng mà các tín hữu đến hành hương, như tại nhà của Mẹ quý yêu, là mẫu gương cho anh chị em về sự lắng nghe Lời Chúa Giêsu Kitô trong khiêm tốn. Như thế anh chị em sẽ làm chứng cụ thể về tình thương đối với tha nhân, đặc biệt đối với nhân dân Ucraina đang chịu đau khổ vì chiến tranh.”

Sau cùng, khi chào bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắc đến tên một số nhóm hành hương và nói thêm rằng: “Tôi nghĩ đến những người trẻ, các bệnh nhân và người cao niên cũng như các đôi tân hôn. Ước gì gương thánh Bartolomeo tông đồ mà ngày mai (24 tháng Tám) chúng ta sẽ cử hành lễ của thánh nhân, giúp anh chị em trở thành những chứng nhân chân thành của Chúa Giêsu, và chịu đựng đau khổ trong tinh thần đức tin, nghĩ đến những khổ đau của các tông đồ Tin mừng. Chúng ta phó thác Ucraina yêu quý cho lời chuyển cầu của thánh Bartolomeo.”

Cũng nên nói thêm rằng từ năm 2004, tại Ucraina có cử hành Ngày Cờ Quốc Gia và ngày 25 tháng Tám, là Ngày Độc lập của nước này.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.