Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Phép Thêm sức đối với mỗi tín hữu là Lễ Hiện Xuống đối với toàn thể Giáo hội
Sáng thứ Tư, ngày 30 tháng Mười năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 20.000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Sau khi Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu, từ lúc 8 giờ 45, ngài lên tới thềm Đền thờ và buổi tiếp kiến bắt đầu với phần lắng nghe Lời Chúa, qua một đoạn trích từ sách Tông đồ Công vụ (Cv 8.14-17):
“Các tông đồ ở Jerusalem nghe biết dân Samaria đã đón nhận Lời Thiên Chúa thì cử ông Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ, hai ông đặt tay trên họ và họ nhận được Thánh Thần”.
Bài huấn giáo
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về “Thánh Thần và Hôn Thê. Chúa Thánh Linh hướng dẫn Dân Chúa gặp gỡ Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”. Bài thứ mười một này có tựa đề: “Người đã xức dầu và đóng ấn tín trên chúng tôi”. Thêm sức, bí tích của Chúa Thánh Thần”.
Mở đầu bài huấn giáo, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến! Chào anh chị em!
Hôm nay, chúng ta tiếp tục suy tư về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo hội qua các bí tích.
Hoạt động thánh hóa của Chúa Thánh Thần đến với chúng ta qua hai kênh: Lời Chúa và các bí tích. Và trong số tất cả các bí tích, có một bí tích trổi vượt là bí tích của Chúa Thánh Thần, và hôm nay, tôi muốn dừng lại nơi bí tích này. Như anh chị em đã hiểu, đó là bí tích Thêm sức.
Trong Tân ước, ngoài bí tích Rửa tội với nước, có một nghi thức khác được nói đến, đó là nghi thức đặt tay, với mục đích thông truyền Thánh Thần một cách hữu hình và theo thể thức đoàn sủng, với những công hiệu tương tự như những công hiệu trên các tông đồ trong ngày lễ Hiện Xuống. Tông đồ Công vụ kể lại một giai thoại ý nghĩa về vấn đề này. Sau khi được biết ở Samaria một số người đã đón nhận Lời Chúa, từ Jerusalem, ông Phêrô và ông Gioan được gửi đến. Sách Tông đồ Công vụ kể: “Họ xuống và cầu nguyện cho họ để họ nhận được Chúa Thánh Thần; thực vậy, Chúa chưa ngự xuống trên một ai trong số họ, và họ chỉ được rửa nhân danh Chúa Giêsu mà thôi. Bấy giờ, hai ông đặt tay trên họ và họ lãnh nhận Thánh Thần” (8,14-17).
Thêm vào đó, có điều thánh Phaolô mô tả trong thư thứ II gửi tín hữu Côrintô: “Chính Thiên Chúa thêm sức cho chúng tôi, cùng với anh chị em, trong Chúa Kitô và đã xức dầu cho chúng tôi, đã đóng ấn cho chúng tôi và ban cho chúng tôi bảo chứng của Thánh Thần trong tâm hồn” (1, 21-22). Đề tài Chúa Thánh Thần như “dấu ấn vương giả”, qua đó Chúa Giêsu đánh dấu các chiên của Ngài là căn cội đạo lý về “dấu ấn không thể xóa nhòa”, được ban qua nghi thức này.
Bí tích riêng biệt
Qua dòng thời gian, nghi thức xức dầu thêm sức trở thành một bí tích riêng, và có hình thức cũng như nội dung khác nhau qua các thời đại và trong các nghi thức khác nhau của Giáo hội. Đây không phải là nơi trình bày lịch sử khá phức tạp về vấn đề này, tôi chỉ mô tả một cách đơn sơ và rõ ràng, rút từ sách giáo lý cho người lớn của Hội đồng Giám mục Ý, dạy thế này: “Phép Thêm sức đối với mỗi tín hữu là Lễ Hiện Xuống đối với toàn thể Giáo hội. [...] Phép Thêm sức củng cố sự tháp nhập vào Chúa Kitô và vào Giáo hội, đã có khi chịu phép Rửa tội và sự thánh hiến để thi hành sứ vụ ngôn sứ, vương giả và tư tế. Bí tích này thông ban dồi dào các hồng ân của Chúa Thánh Thần [...]. Vì thế, nếu bí tích Rửa tội là bí tích khai sinh, thì bí tích Thêm sức là bí tích làm chứng, vì chứng tá này có liên hệ chặt chẽ với sự trưởng thành của đời sống Kitô” (La verità vi fa liberi”. Sách giáo lý người lớn. Libreria Editrice Vaticana, 1995, p.324).
Vai trò của bí tích Thêm sức
Vấn đề là làm thế nào để bí tích Thêm sức không bị thu hẹp, trong thực hành, vào một thứ bí tích xức dầu, nghĩa là bí tích giã từ khỏi Giáo hội, nhưng là bí tích khởi sự tham gia tích cực vào đời sống của Hội Thánh. Đó là một mức đến, đối với chúng ta, có vẻ là không thể được, đứng trước tình trạng hiện nay phần nào trên toàn thế Giáo hội, nhưng không phải vì thế mà chúng ta phải ngưng theo đuổi nó. Không phải tất cả những người chịu phép Thêm sức, các thiếu niên và người lớn, đều như thế, nhưng điều quan trọng là ít nhất đối với một số người sau này sẽ là những linh hoạt viên của cộng đoàn.
Với mục đích đó, để được giúp đỡ trong việc chuẩn bị bí tích Thêm sức, có thể dùng các tín hữu giáo dân đã đích thân gặp gỡ Chúa Giêsu và đã có kinh nghiệm thực sự về Chúa Thánh Thần. Một số người nói là đã sống kinh nghiệm ấy như một sự triển nở của bí tích Thêm sức mà họ đã lãnh nhận khi còn là thiếu niên.
Ảnh hưởng của bí tích Thêm sức
Nhưng điều này không phải chỉ liên hệ tới những người sẽ chịu phép Thêm sức; nó cũng có liên quan đến tất cả chúng ta và trong mọi lúc. Cùng với bí tích Thêm sức và bí tích Xức dầu, chúng ta đã lãnh nhận, thánh Phaolô tông đồ cam kết, cả bảo chứng của Thánh Thần mà ở nơi khác gọi là “Những hoa quả đầu mùa của Thánh Thần” (Rm 8,23). Chúng ta phải “sử dụng” bảo chứng này, nếm hưởng những hoa trái đầu mùa này, chứ không chôn vùi dưới đất những đoàn sủng và tài năng đã lãnh nhận.
Thánh Phaolô nhắn nhủ môn đệ Timôthê hãy “tái khởi động ơn Chúa đã lãnh nhận qua việc đặt tay” (2 T, 1,6) và động từ được sử dụng gợi lên hình ảnh của người thổi vào lửa để làm cho lửa tái bùng lên. Đó là một mục tiêu thật đẹp đối với Năm Thánh! Gạt bỏ những tro tàn của tập quán và ươn lười để trở thành như những người mang đuốc thế vận Olympic, những người mang ngọn lửa của Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện vài bước tiến theo chiều hướng đó!
Chào thăm và kêu gọi
Bài huấn giáo của Đức Thánh cha bằng tiếng Ý lần lượt được các độc viên trình bày phần tóm tắt bằng tám thứ tiếng, kèm theo những lời chào thăm và nhắn nhủ của Đức Thánh cha.
Khi chào bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Guadalupe, từ Giáo phận Paris, Belfort, Montbéliard và Laval. Ngài nói: “Chúng ta hãy tái thắp lên nơi chúng ta hồng ân Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Thêm sức, để làm chứng cho những người thời nay về tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người, qua cuộc sống của chúng ta”.
Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha mời gọi họ quan tâm hơn đến những người đang chuẩn bị chịu phép Thêm sức, và nói rằng: “Ước gì kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục vừa kết thúc có thể khơi lên một sự cởi mở mới đối với tác động của Chúa Thánh Thần và một sự nhạy cảm đối với lối đồng hành, đồng nghị trong các cộng đoàn của anh chị em”.
Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc đến tên của nhiều phái đoàn hành hương, rồi chào những người trẻ, bệnh nhân, các đôi tân hôn và người cao niên, đồng thời nói rằng: “Chúng ta đang đến gần Đại lễ Các Thánh. Tôi mời gọi anh chị em hãy sống lễ này của năm phụng vụ, trong đó Giáo hội muốn nhắc nhớ một khía cạnh thiết yếu của thực tại Giáo hội, đó là các anh chị em đi trước chúng đang hưởng kiến Chúa Cha trong vinh quang thiên quốc. Họ muốn hiệp thông với chúng ta để giúp chúng ta đạt tới mục tiêu đang chờ đợi chúng ta”.
Buổi Tiếp kiến chung được kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.