Đức Thánh cha tiếp Tổng hội Dòng Capuchino
Sáng hôm 31 tháng Tám vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến Tổng hội Dòng Capuchino và ngài nhắc nhở các tu sĩ của dòng hãy thực thi tình huynh đệ, luôn có thái độ sẵn sàng và dấn thân cho hòa bình.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Dòng Capuchino có từ năm 1525, khi một tu sĩ Phanxicô nhặt phép là cha Matteo de Basico ở miền Marche, bên Ý xác tín rằng lối sống của các tu sĩ Phanxicô thời đó không phải lối sống mà thánh Phanxicô đã đề ra, và cha muốn trở lại lối sống nguyên thủy trong cô tịch và nhiệm nhặt, như thánh sáng lập đã thực hành. Hiện nay, Dòng Capuchino có hơn 10.100 tu sĩ.
Tổng hội thứ 86 của dòng đang tiến hành, từ ngày 26 tháng Tám đến ngày 15 tháng Chín, tại Học viện quốc tế thánh Lorenso Brindisi, ở Roma, với sự tham dự của 173 đại biểu đến từ hơn 100 nước trên thế giới. Khẩu hiệu của Tổng hội là “Chúa đã ban cho tôi các anh em (Test. 14), để đi khắp thế gian (Regola Bollata 3,10)”.
Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha lần lượt đề cập đến tình huynh đệ, thái độ sẵn sàng và sự dấn thân cho hòa bình.
Trước hết về tình huynh đệ, ngài gợi lại kinh nghiệm của thánh Phanxicô, và nhấn mạnh rằng “theo đoàn sủng của thánh nhân, sứ mạng nảy sinh trong tình huynh đệ để thăng tiến tình huynh đệ (RB 3): điều này có nghĩa là trong dự phóng của Thiên Chúa, không ai có thể coi mình như một hòn đảo, nhưng mỗi người ở trong tương quan với người khác để tăng tưởng trong tình thương, đi ra khỏi bản thân và biến chính đặc tính riêng của mình thành một món quà cho anh em”.
Theo đường hướng này, Đức Thánh cha nhắn nhủ các tu sĩ Capuchino, trong các cuộc gặp gỡ, hãy quan tâm đừng đặt ở trọng tâm những nguồn kinh tế, những toan tính con người hoặc các thực tại khác, vì chúng chỉ là phương tiện. Nơi trung tâm phải đặt con người: những người mà Chúa gửi đến cho anh em, để sống cạnh họ, quan tâm đến thiện ích và ơn cứu độ của họ. Tóm lại, là nơi trung tâm, hãy đặt tình huynh đệ mà tôi khuyến khích anh em hãy thăng tiến trong các nhà đào tạo, trong đại gia đình Phanxicô, trong Giáo hội và trong mọi lãnh vực hoạt động của anh em.
Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng “các tu sĩ Capuchino nổi tiếng là sẵn sàng đi đến nơi mà không ai muốn đến... Thực vậy, lối sống cởi mở của anh em chứng tỏ cho tất cả mọi người rằng điều quan trọng nhất trong đời sống chính là tình bác ái (Xc 1Cr 13,13), và một điều luôn bõ công, đó là hiến chính cuộc sống của mình vì bác ái”... Như vậy, anh em trình bày một dấu chỉ cho toàn thể cộng đoàn Kitô, được kêu gọi trở thành một tập thể “luôn luôn và ở mọi nơi” là “thừa sai”, “đi ra ngoài” (AG 2, E.G. 20). Đó là một dấu chỉ quan trọng, đặc biệt trong thời đại chúng ta ngày nay có nhiều xung đột và khép kín, dửng dưng và ích kỷ...
Sau cùng là dấn thân cho hòa bình. Đức Thánh cha ca ngợi các tu sĩ Capuchino “biết ở với tất cả mọi người, ở giữa dân chúng, đến độ thường được gọi là “các tu sĩ của dân chúng”, qua các thế hệ, anh em được gọi là “những chuyên gia xây dựng hòa bình” (Xc Mt 5,9), có khả năng kiến tạo những cơ hội gặp gỡ, làm trung gian giải quyết các xung đột, tu họp con người và thăng tiến một nền văn hóa hòa giải, cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất”.
Đức Thánh cha nói thêm rằng nơi căn cội đoàn sủng này, có một điều kiện cơ bản đó là: trong Chúa Kitô, cần trở nên tha nhân của tất cả mọi người (Xc Lc 10,25-37), nhất là những người nghèo nhất, bị gạt bỏ và tuyệt vọng, không bao giờ loại trừ một ai”.
(Sala Stampa 31-8-2024)