Đức Thánh cha tiếp các linh mục sinh viên Trường Ngoại giao Tòa Thánh

Photo: Vatican Media
Trong buổi tiếp kiến hôm mùng 07 tháng Sáu vừa qua, dành cho 35 linh mục sinh viên Trường Ngoại giao Tòa Thánh, Đức Thánh cha Phanxicô tái mời gọi huấn luyện các nhà ngoại giao tương lai của Tòa Thánh về sự gần gũi với dân Chúa, đặc biệt tại các xứ truyền giáo xa xăm, như một thuốc giải độc chống lại tinh thần thế tục.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hiện diện trong dịp này, cũng có Đức Tổng giám mục Salvatore Pennacchio, nguyên là Sứ thần Tòa Thánh tại Ba Lan, và hiện là Giám đốc Trường Ngoại giao, cùng với Đức ông Gabriel Viola, Quản lý kiêm Giám học, và cha linh hướng Orlando Torres, Dòng Tên.

Trong lời giới thiệu các linh mục sinh viên lên Đức Thánh cha, Đức Tổng giám mục Pennacchio cho biết, có mười bốn linh mục vừa mãn chương trình đào tạo và chuẩn bị được gửi đi thực hiện một năm truyền giáo.

Đức Thánh cha nhắc nhở các linh mục về năm truyền giáo này, vốn được Đức Tổng giám mục Joseph Marino, Giám đốc Trường Ngoại giao trước đây thỉnh cầu, với mục đích huấn luyện các nhà ngoại giao tương lai của Tòa Thánh gần gũi với dân Chúa, tại các xứ truyền giáo, đồng thời để khơi dậy nơi họ con tim mục tử, nhắm chống lại tinh thần thế tục, một nguy cơ mà việc phục vụ ngoại giao có thể gặp phải.

Đức Thánh cha cũng nhắn nhủ các linh mục sinh viên, nhất là những người sắp ra đi truyền giáo, hãy mang theo để đọc và suy niệm về Tông huấn “Evangelium nuntiandi”, Loan báo Tin mừng, của thánh Giáo hoàng Phaolô VI, một văn kiện vẫn luôn thời sự.

Trong cuộc trao đổi, đáp lại những câu hỏi của các linh mục sinh viên, Đức Thánh cha nhắc đến một số đặc tính của nhà ngoại giao Tòa Thánh, đại diện ngài nơi các Giáo hội địa phương và gia đình các dân nước: ngoài sự gần gũi vừa nói, còn cần có sự tinh khôn cần thiết, như công việc rất khó khăn đòi hỏi, cùng với lòng đạo đức, sống kết hiệp với Chúa.

Về tình trạng chiến tranh tại nhiều nơi trên thế giới, Đức Thánh cha nhắc đến công việc của bao nhiêu vị Sứ thần Tòa Thánh tại những vùng xung đột, để giúp đối thoại giữa những phe tranh chấp và bênh vực các nạn nhân chiến tranh, theo các nguyên tắc của công pháp quốc tế về nhân đạo.

(Vatican News 7-6-2024)