Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu tái khám phá vẻ đẹp của kinh Mân côi
Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu tái khám phá vẻ đẹp của kinh Mân côi trong gia đình, như kinh nguyện giúp xây dựng hòa bình.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Thánh cha đưa ra lời kêu gọi trên đây, hôm 10 tháng Mười Một vừa qua, trong sứ điệp gửi đến Đức Tổng giám mục Tommaso Caputo, Giám quản Giám hạt kiêm Đại biểu Tòa Thánh tại Đền thánh Đức Mẹ Mân côi ở Pompeii, cách Roma khoảng 200 cây số về hướng nam, nhân dịp kỷ niệm 150 năm Ảnh Đức Mẹ Mân côi được tặng cho chân phước Bartolo Longo, người sáng lập Đền thánh Đức Mẹ tại Pompeii này.
Chân phước Bartolo Longo nguyên là một luật sư, nhưng chuyên lên đồng cầu cơ, và thực hành ma thuật, nhưng đã được ơn hoán cải. Đền thánh có ảnh Đức Mẹ làm phép lạ do cha giải tội Alberto Radente tặng cho chân phước Bartolo Longo, vào năm 1875. Luật sư qua đời năm 1926, thọ 85 tuổi và được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II phong chân phước, năm 1980. Chân phước Longo được nhìn nhận là tông đồ của kinh Mân côi.
Đức Thánh cha Phanxicô đã đến viếng thăm Đền thánh Đức Mẹ Mân côi ở Pompeii, ngày 21 tháng Ba năm 2015.
Nay trong sứ điệp gửi đến Đức Tổng giám mục Caputo, Đức Thánh cha chào mừng sáng kiến của Đền thánh Đức Mẹ được đề ra với những chương trình mục vụ thích hợp để cử hành kỷ niệm 150 năm Ảnh Đức Mẹ Mân côi được tôn kính tại đây và ngài cũng hiệp ý với các tín hữu tham dự các buổi lễ này. Đức Thánh cha khẳng định rằng:
“Chúng ta ý thức điều quan trọng dường nào khi tái khám phá vẻ đẹp của kinh Mân côi trong gia đình. Kinh nguyện này là một trợ giúp trong việc kiến tạo hòa bình và điều quan trọng là trình bày với giới trẻ, để họ không cảm thấy kinh này là sự lặp đi lặp lại và một nhịp điệu, nhưng là một hành vi yêu thương, mà ta không bao giờ mệt mỏi trong việc khai triển. Kinh Mân côi cũng là nguồn an ủi cho các bệnh nhân và những người đau khổ, “là chuỗi dây dịu dàng liên kết chúng ta với Thiên Chúa”, và cũng là chuỗi dây làm cho chúng ta ôm lấy những người rốt cùng và bị gạt ra ngoài lề, và dưới mắt chân phước Bartolo Longo, những người ấy đặc biệt là các trẻ mồ côi và các tù nhân. Vì thế, tôi khuyến khích hãy tiếp tục lịch sử bác ái, từ lâu do chân phước đề xướng, nhưng nay được thực thi với một quyết tâm mới, qua nhiều sáng kiến của Đền thánh. Lịch sử ấy chính là gia sản tinh thần đẹp nhất mà chân phước sáng lập viên để lại”.
(Sala Stampa, Vatican News 10-11-2024)