Đức Thánh cha cử hành Lễ Vọng Giáng sinh
Sau khi cử hành nghi thức mở cửa Năm Thánh 2025 tại Đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ Vọng Giáng sinh cũng tại Đền thờ này.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đồng tế với Đức Thánh cha trong thánh lễ, có hơn hai mười hồng y và hàng chục giám mục, cùng với khoảng hai trăm linh mục, trước sự hiện diện của gần sáu ngàn tín hữu.
Đầu thánh lễ, một ca viên đã hát bài Kalenda, công bố sự giáng sinh của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, tại Bêlem xứ Giuse bởi Đức Trinh Nữ Maria. Rồi mười em bé thuộc các quốc tịch khác nhau, đã dâng và đặt hoa quanh tượng Chúa Hài Đồng trước bàn thờ.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu hãy sống trong niềm hy vọng bắt nguồn từ Chúa và dấn thân mang niềm hy vọng ấy đến những nơi không có hoặc đã đánh mất.
Ngài nhắc lại mầu nhiệm Giáng trần của Con Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã trở nên một người như chúng ta để làm cho chúng ta trở nên như Ngài, Đấng đã xuống giữa chúng ta để nâng dậy và đưa chúng ta trở lại vòng tay ôm của Chúa Cha.
“Đây là hy vọng của chúng ta: Thiên Chúa là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đấng vô cùng vĩ đại đã trở nên bé nhỏ; ánh sáng thần linh đã chiếu tỏa rạng ngời trong tăm tối của thế giới; vinh quang của trời cao đã xuất hiện trên trái đất, trong sự bé nhỏ của một hài nhi”.
Và nối tiếp với việc mở cửa Năm Thánh, Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến, với việc mở Cửa Thánh, chúng ta bắt đầu Năm Thánh mới: mỗi người chúng ta có thể bước vào trong mầu nhiệm loan báo hồng phúc này. Đây là đêm, trong đó cửa hy vọng được mở toang cho thế giới; đây là đêm trong đó Thiên Chúa nói với mỗi người: có hy vọng cho con!”
Và Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng, “để đón nhận hồng ân ấy, chúng ta được mời gọi lên đường với sự ngạc nhiên của các mục đồng Bethlehem. Họ mau lẹ lên đường sau khi nghe lời loan báo của sứ thần Chúa (Xc Lc 2,16). Chúng ta cũng phải mau lẹ đi gặp Chúa, Đấng đã sinh ra cho chúng ta, với tâm hồn nhẹ nhàng và tỉnh thức, sẵn sàng gặp gỡ, để có khả năng diễn tả hy vọng trong những hoàn cảnh của đời sống chúng ta... Nó đòi chúng ta đừng kéo lê trong những tập quán, không khựng lại trong trạng thái tầm thường và lười biếng. Chúng ta hãy học gương của những người chăn đoàn vật: hy vọng nảy sinh trong đêm nay không chấp nhận sự ươn ái của người ngồi lỳ, sự lười biếng của người sắp xếp ổn định trong những tiện nghi của mình... Hy vọng ấy không thể dung hợp với người không dám lên tiếng chống lại sự ác và chống những bất công đối với những người nghèo nhất. Trái lại, niềm hy vọng Kitô, trong khi mời gọi chúng ta kiên nhẫn chờ đợi Nước Chúa đang nẩy mầm và tăng trưởng, nó cũng đòi chúng ta hãy táo bạo thực hiện trước lời hứa này, qua trách nhiệm và lòng cảm thương của chúng ta”.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, đây là Năm Thánh. Đây là thời điểm hy vọng! Năm Thánh mời gọi chúng ta tái khám phá niềm vui được gặp gỡ Chúa, kêu gọi chúng ta canh tân tinh thần và dấn thân biến đổi thế giới, để Năm này thực sự trở thành một thời kỳ hưu lễ: cho Trái đất là mẹ chúng ta, bị biến dạng vì những tiêu chuẩn lợi lộc; để Năm Thánh trở thành thời kỳ vui mừng cho những nước nghèo nhất bị đè nặng vì những nợ nần bất công; Năm Thánh trở thành thời kỳ vui mừng cho tất cả những người là nô lệ cho nạn nô lệ cũ và mới”.
Ý nguyện
Trong phần các lời nguyện phổ quát, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Hội thánh của Thiên Chúa, cho những người di dân, cho các dân tộc trên trái đất, cho các bệnh nhân và sau cùng cho các cộng đoàn Kitô. Ý nguyện này được xướng bằng tiếng Việt:
“Lạy Đấng là sự viên mãn của mọi chờ mong, Chúa đem lại ý nghĩa cho thời gian và lịch sử: xin làm cho các cộng đoàn Kitô chúng con trở thành những chứng nhân về tình yêu Chúa, xin giữ ánh mắt của các tín hữu luôn hướng về Chúa và làm cho những người thiện chí sẵn sàng đón nhận Chúa mỗi ngày”.