Đức Thánh cha chuẩn bị viếng thăm Luxemburg và Bỉ
Sáng thứ Năm, ngày 26 tháng Chín tới đây, Đức Thánh cha Phanxicô sẽ lên đường thực hiện chuyến tông du thứ 46, kéo dài bốn ngày tại Luxemburg và Vương Quốc Bỉ.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Thánh cha sẽ dừng lại tám tiếng đồng hồ ở Luxemburg, từ sáng đến chiều, ngày 26 tháng Chín rồi bay sang nước Bỉ láng giềng.
Chuyến viếng thăm tại Luxemburg có khẩu hiệu là “Để phục vụ”, gợi lại lời Chúa Giêsu xác quyết Ngài “đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ”. Theo nghĩa này, Giáo hội cũng phải phục vụ nhân loại. Còn khẩu hiệu chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha tại Bỉ, là: “Lên đường đầy hy vọng”, mời gọi cùng lên đường.
Các tín hữu Công giáo tại hai nước bé nhỏ này có thể tận dụng những lời khích lệ của Đức Thánh cha.
Tại Bỉ, nhà nước tiếp tục trả lương cho hàng giáo sĩ, nhưng những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục đã làm thương tổn thanh danh của Giáo hội. Giáo hội Công giáo chiếm khoảng 70% dân số ở hai nước, nhưng tỷ lệ này tiếp tục suy giảm từ nhiều năm nay. Tại Luxemburg, Giáo hội Công giáo đã ít nhiều tự nguyện từ bỏ vị thế ưu tiên. Tại đây, Giáo hội và nhà nước tách biệt nhau từ năm 2015.
Luxemburg là một tổng giáo phận duy nhất, hiện do Đức Hồng y Jean Claude Hollerich, 66 tuổi, coi sóc. Ngài tuyên bố với hãng tin Công giáo Áo-Kathpress, rằng: “Chúng tôi hy vọng nơi sự khích lệ của Đức Thánh cha cho Giáo hội đang sa sút tại đây. Trong những năm gần đây, chúng tôi chứng kiến tình trạng tục hóa tột độ: không còn các lớp giáo lý tại trường học, và vì lý do gọi là bảo vệ dữ liệu, chúng tôi không còn nhận được danh sách với tên các trẻ em nữa”.
Cao điểm trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha là cuộc gặp gỡ của ngài với cộng đoàn Công giáo tại nhà thờ chính tòa Đức Bà Luxemburg. Trong dịp này, Đức Thánh cha sẽ dâng tặng hoa hồng vàng cho tượng Đức Mẹ tại đây.
Giáo hội Công giáo tại Luxemburg có 471.000 tín hữu Công giáo trên tổng số 645.000 dân cư. Có 275 giáo xứ, 120 linh mục giáo phận và 42 linh mục dòng, 60 tu huynh và 240 nữ tu.
Tại Vương quốc Bỉ
Đức Thánh cha sẽ rời Luxemburg để sang Bỉ, lúc 6 giờ chiều cùng ngày 26 tháng Chín, nhưng ngài chính thức bắt đầu hoạt động từ ngày hôm sau, 27 tháng Chín. Cơ hội chính yếu để Đức Thánh cha viếng thăm nước này là dịp kỷ niệm 600 năm thành lập Đại học Công giáo ở Leuven.
Đại học này được tách thành hai từ cuối thập niên 1960, với việc thành lập Đại học ở Louvain-la-Neuve, cách Leuven 30 cây số. Chia rẽ này là do sự xung đột giữa hai cộng đồng tiếng Flamand và tiếng Pháp. Theo thống kê hiện nay, Đại học Leuven có khoảng 60.000 sinh viên, học tại bốn chi nhánh khác nhau và trong đó có 21.000 sinh viên là người nước ngoài và tại đây, nhiều ngành cũng được dạy bằng tiếng Anh. Còn Đại học Louvain có 40.000 sinh viên.
Đức Thánh cha sẽ gặp chính quyền, hai cộng đoàn đại học, gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại Vương cung thánh đường Thánh Tâm, ở Koekelberg.
Cao điểm trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha là thánh lễ, lúc 10 giờ, sáng Chúa nhật, ngày 29 tháng Chín, tại Sân vận động “Quốc vương Beaudoin”, với có 35.000 chỗ ngồi. Đầu thánh lễ, Đức Thánh cha sẽ chủ sự nghi thức phong chân phước cho nữ tu Anna Chúa Giêsu (1545-1621), người Tây Ban Nha thuộc Dòng kín Cát Minh, đã thiết lập Đan viện dòng này tại Bỉ, qua đời tại đây năm 1621, thọ 76 tuổi.
Nữ tu tục danh là Anna de Lobera Torres, sinh ngày 25 tháng Mười Một năm 1545, được chính thánh nữ Têrêsa đón nhận vào Đan viện Cát Minh cải tổ ở Avila, năm 1571, và năm sau đi theo thánh nữ đến Salamanca và khấn dòng tại đây. 10 năm sau đó, vâng lời thánh Têrêsa, chị Anna đến thành Granada để mở một đan viện, rồi sau đó lập một đan viện ở Madrid. Tại đây, chị Anna làm việc rất nhiều cho việc xuất bản lần đầu tiên các tác phẩm của thánh Têrêsa, vào năm 1588. Cũng tại đây, chị Anna phải chiến đấu để bênh vực tinh thần của thánh nữ.
Năm 1604, cùng với chân phước Anna di Bartolomeo và bốn nữ đan sĩ khác, chị Anna, sang Pháp và dưới sự hướng dẫn Đức Hồng y Pierre Bérulle, chị lần lượt lập ba đan viện Cát Minh nhặt phép tại Paris (1604), Pontoise và Dijon (1605). Sau đó, chị chấp nhận lời mời của Đại quận công nước Bỉ đến thành lập các đan viên tại Bruxelles, Louvain và Mons năm 1607. Rồi chị trở về Bruxelles. Sau vài năm chịu nhiều đau khổ nội tâm và thể lý, chị qua đời trong tiếng tăm thánh thiện, được củng cố bằng nhiều ơn lành và phép lạ.
(KAP 19-9-2024)