Chuẩn bị khánh thành đường hầm huynh đệ giữa nhà thờ Công giáo và Đền thờ Hồi giáo Indonesia

Photo: ucanews.com
Trong tháng Tám sắp tới, đường hầm huynh đệ ở thủ đô Jakarta, nối liền nhà thờ chính tòa Đức Bà Mông Triệu của Công giáo và Đền thờ Istiqlal lớn nhất của Hồi giáo tại Đông Nam Á, sẽ được Tổng thống Joko Widodo của Indonesia khánh thành, trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha Phanxicô tại nước này.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Thời điểm chính xác của buổi khánh thành chưa được công bố. Hiện nay, đang có những trang trí thêm bên trong Đền thờ Hồi giáo.

Đường hầm dài 28,3 mét, tên là Terowongan Silaturahmi, được đào bên dưới đường cao tốc chạy giữa hai nơi thờ phượng. Đường hầm đi từ lầu 1 nhà đậu xe bên dưới Đền thờ Hồi giáo và dẫn tới vườn nhà thờ chính tòa. Tại lối vào, khách viếng thăm sẽ gặp những câu trích của Hồi giáo và Công giáo về tầm quan trọng của tình huynh đệ.

Linh mục Anthonius Lalu, Phó ban thông tin của Ban tổ chức cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha cho biết ngài sẽ viếng thăm Indonesia, từ ngày 02 đến ngày 06 tháng Chín. Đức Thánh cha viếng nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn xác lên trời, ngày 04 tháng Chín và gặp gỡ các linh mục, chủng sinh và giáo lý viên. Hôm sau, Đức Thánh cha sẽ dự buổi gặp gỡ liên tôn, tại Đền thờ Hồi giáo Istiqlal, tuy nhiên người ta chưa biết Đức Thánh cha có đi qua đường hầm hay không.

Đền thờ Istiqlal, có nghĩa là “Đền thờ Độc Lập”, lớn thứ chín trên thế giới, được Tổng thống đầu tiên của Indonesia, ông Soekarno kiến thiết hồi năm 1961 để tưởng niệm sự độc lập của đất nước, và có thể đón tiếp 200.000 tín hữu. Còn nhà thờ chính tòa ở Jakarta được xây theo kiểu tân Gothic, năm 1901 và đã được tu bổ nhiều lần.

Cha Agustinus Heri Wibobo, Tổng thư ký Ủy ban Giám mục về đại kết và liên tôn nói rằng theo quan điểm Công giáo, đường hầm huynh đệ biểu lộ quan điểm “cần đi ra ngoài chính mình để gặp gỡ tha nhân, hầu đạt được một cuộc sống viên mãn hơn”.

Còn ông Achmad Nurcholish, người Hồi giáo, Giám đốc chương trình của Hội đồng Indonesia về tôn giáo và hòa bình, nói rằng sự hiện hữu một không gian gặp gỡ sẽ khích lệ sự cảm thông nhau, có thể phá bỏ những thành kiến. “Hy vọng đường hầm này sẽ củng cố hơn tinh thần bao dung và hòa hợp giữa các cộng đồng tôn giáo”.

Trong số 270 triệu dân ở Indonesia, 85% là tín hữu Hồi giáo và trong số 24 triệu Kitô hữu ở nước này, có 7 triệu tín hữu Công giáo. Tại đây, có sáu tôn giáo có tổ chức, đó là Phật giáo, Công giáo, Khổng giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, và khoảng 200 tín ngưỡng truyền thống.

(Ucan 29-7-2024)