Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta

Photo: Vatican Media
Sáng thứ Tư, ngày 18 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng năm ngàn tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI ở Nội thành Vatican. Trong số các tham dự viên, cũng có bốn giám mục từ các nước.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Như thường lệ, sau khi bắt đầu với dấu thánh giá và lời chào phụng vụ, mọi người đã cùng lắng nghe một đoạn Kinh thánh, trích từ Tin mừng theo thánh Matthêu (1,1-3.15-16):

“Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu ông Áp-ra-ham:

Ông Ápraham sinh Ixaác; Ixaác sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em ông này; Giuđa ăn ở với Tama sinh Perét và Derác; Perét sinh Khétxơron; Khétxơron sinh Aram; Êlihút sinh Elada; Elada sinh Mátthan; Mátthan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô”.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha bắt đầu loạt bài về “Năm Thánh 2025”: Chúa Giêsu Kitô là niềm hy vọng của chúng ta. Phần thứ I nói về thời thơ ấu của Chúa Giêsu và bài thứ I của phần này được trình bày hôm 18 tháng Mười Hai, có tựa đề là: “Gia phả của Chúa Giêsu (Mt 1,1-17): Con Thiên Chúa đi vào lịch sử”.

Mở đầu bài huấn giáo, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, chúng ta bắt đầu chu kỳ giáo lý kéo dài trong suốt Năm Thánh, với chủ đề là “Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta”: thực vậy, chính Chúa là mục tiêu cuộc lữ hành của chúng ta, và chính Ngài là đường, hành trình cần trải qua.”

Hai trình thuật Tin mừng về thời thơ ấu

Phần thứ I bàn về “thời thơ ấu của Chúa Giêsu”, được các thánh sử Matthêu và Luca thuật lại (Xc Mt 1-2; Lc 1-2). Các Tin mừng về thời thơ ấu kể lại việc Trinh Nữ mang thai Chúa Giêsu và Người sinh ra từ cung lòng Đức Maria. Các sách ấy nhắc nhở cho chúng ta những lời ngôn sứ về Đấng Thiên Sai, nói rằng những lời ấy được viên mãn nơi Đức Giêsu và cũng nói về tình phụ tử của thánh Giuse, theo luật, làm cho Con Thiên Chúa được tháp nhập vào gốc là triều đại Vua Davit. Chúa Giêsu Hài đồng được trình bày cho chúng ta như một hài nhi và thiếu niên, tùng phục cha mẹ, và đồng thời ý thức mình hoàn toàn tận tụy với Chúa Cha và Nước của Người. Sự khác biệt giữa hai tác giả Tin mừng là: trong khi thánh Luca thuật lại các biến cố dưới cái nhìn của Mẹ Maria, thì thánh Matthêu thuật lại qua cái nhìn của thánh Giuse, nhấn mạnh về một tình phụ tử chưa từng có.

Tin mừng Matthêu

Thánh Matthêu mở đầu Tin mừng và toàn Tân ước bằng “gia phả của Chúa Giêsu Kitô, Con Vua Đavít, con của Abraham” (Mt 1,1). Đó là một danh sách những người đã có tên trong Kinh thánh Do thái, để chứng tỏ chân lý về lịch sử và chân lý về đời sống con người. Thực vậy, “gia phả của Chúa do lịch sử đích thực cấu thành, trong đó có một vài tên có vấn đề và nhấn mạnh tội của Vua Đavit (Xc Mt 1,6). Dầu sao, tất cả kết thúc và nở hoa trong Mẹ Maria và Chúa Kitô (Xc Mt 1,16)” (Thư về sự canh tân nghiên cứu lịch sử trong Giáo Hội, 21-11-2024). Rồi xuất hiện lịch sử về sự sống con người, đi từ thế hệ này đến thế hệ khác theo ba điều là: một danh xưng gói gọn một căn tính và một sứ mạng độc nhất vô nhị; sự thuộc về một gia đình và một dân tộc; và sau cùng sự gắn bó đức tin với Thiên Chúa của Israel.

Gia phả Chúa Giêsu

Gia phả là một thứ văn thể, nghĩa là một hình thức thích hợp để thông truyền một sứ điệp rất quan trọng: không ai tự ban cho mình sự sống. Trái lại, ta lãnh nhận sự sống từ người khác; trong trường hợp này, đó là một dân tuyển lựa và thừa hưởng kho tàng đức tin của cha ông, trong sự thông truyền sự sống cho con cái, chuyển giao cho con cháu niềm tin nơi Thiên Chúa.

Năm phụ nữ trong gia phả Chúa Giêsu theo thánh Matthêu

Nhưng khác với các gia phả trong Cựu ước, trong đó chỉ xuất hiện những tên của người nam, vì tại Israel, chính người cha đặt tên cho con, nơi danh sách của thánh Matthêu, trong số các tiền nhân của Chúa Giêsu đó, xuất hiện những tên của phụ nữ: chúng ta thấy có năm tên, là Tamar, con dâu của Giuda, sau khi trở thành góa phụ, bà giả làm kỹ nữ để đảm bảo hậu duệ cho chồng (Xc St 38); tiếp đến là bà Racab, kỹ nữ ở thành Giêricô, giúp cho những người Do thái thám hiểm vào Đất Hứa và chinh phục được đất này (Gs 2); thứ ba là bà Rut, người xứ Moab, trong cuốn sách cùng tên, bà trung thành với mẹ chồng, chăm sóc bà và trở thành bà cố nội của Vua Đavit; thứ tư là Betsabea, mà Vua Đavit phạm tội ngoại tình với Vua Đavit và sau khi sát hại chồng bà, bà sinh ra vua Salomon (Xc 2 Sam 11); và sau cùng là Mẹ Maria thành Nazareth, hôn thê của thánh Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavit: từ Đức Maria, Đấng Thiên Sai Giêsu đã sinh ra.

Bốn phụ nữ đầu tiên có chung một điều, không phải vì họ là những đàn bà tội lỗi, như nhiều khi người ta hay nói, nhưng họ đều là dân ngoại đối với dân Israel. Điều mà thánh Matthêu làm nổi bật là, như Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã viết, “Qua trung gian của họ, thế giới dân ngoại đi vào gia phả của Chúa Giêsu, và qua đó làm nổi bật sứ mạng của Chúa Giêsu đối với dân Do thái và dân ngoại (Thời thơ ấu của Chúa Giêsu, Milano-Città del Vaticano 2012,15).

Bốn phụ nữ đầu tiên được nhắc đến cạnh người được họ sinh ra hoặc cạnh người sinh ra từ họ hoặc người đã sinh ra họ. Trái lại, Đức Maria thủ đắc một sự nổi bật: Mẹ đánh dấu một sự khởi đầu mới, chính Mẹ là sự bắt đầu mới, vì trong tình trạng của Mẹ, không còn là một thụ tạo nhân trần, giữ vai chính trong việc sinh sản nhưng là chính Thiên Chúa. Ta thấy rõ điều đó trong động từ “được sinh ra”: “Giacob sinh ra Giuse, hôn phu của Maria, từ đó Chúa Giêsu đã được sinh ra, được gọi là Đức Kitô” (Mt 1,16). Chúa Giêsu là con vua Đavit, được ông Giuse tháp nhập vào triều đại ấy và được trở thành Vị Thiên Sai của Israel, nhưng cũng là con của Abraham và của những phụ nữ dân ngoại, vì thế, Ngài trở thành “Ánh sáng muôn dân” (Xc Lc 2,32), và là “Đấng cứu thế” (Ga 4,42).

Con Thiên Chúa, - được thánh hiến cho Chúa Cha với sứ mạng tỏ lộ tôn nhan của Người (Xc Ga 1,18; Ga 14,9), - đi vào trần thế như tất cả mọi con cái loài người, đến độ tại Nazareth Ngài sẽ được gọi là “Con ông Giuse” (Ga 6,42) hoặc “con của người thợ mộc” (Mt 13,55). Thiên Chúa thật và là người thật.

Và Đức Thánh cha kết luận: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy khơi dậy trong chúng ta ký ức với lòng biết ơn đối với các tổ tiên chúng ta. Và nhất là chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, nhờ Mẹ Giáo hội, đã sinh chúng ta ra để được sự sống đời đời, cuộc sống của Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các độc giả đã tóm tắt bằng chín ngôn ngữ khác nhau, kèm theo những lời chào thăm của Đức Thánh cha và những lời nhắn nhủ. Ví dụ, khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc đến truyền thống của các tín hữu nước này gọi là “oplatek”, bẻ bánh Giáng sinh. Ngài nói: “Ước gì cử chỉ bác ái, an bình và tha thứ này là biểu hiện một con tim cởi mở đối với những người anh chị em gặp trên đường đời. Nhất là hãy nhớ đến những người nghèo, những người cô độc, các nạn nhân lũ lụt và những anh chị em ở Ucraina. Tôi thành tâm ban phép lành cho anh chị em.

Trước đó, Đức Thánh cha đã chào thăm các tín hữu nói tiếng Hoa và nói rằng: “Anh chị em thân mến, Lễ Chúa Giáng sinh nay ở trước ngưỡng cửa, ước gì đại lễ này mang lại cho tất cả mọi người sự vui tươi và thanh thản.”

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các giáo xứ ở Fermo được Đức Tổng giám mục bản quyền hướng dẫn, các nhóm từ miền Sezze, ca đoàn ở Serino, các học sinh ở San Benedetto del Tronto.

Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc đến các bạn trẻ, người già yếu và các đôi tân hôn. Đức Thánh cha nói: Lễ Giáng sinh nay đang đến gần và tôi nghĩ rằng trong các gia đình anh chị em có một hang đá: yếu tố quan trọng này trong linh đạo và truyền thống văn hóa của anh chị em là một cách thức gợi nhớ đến Chúa Giêsu, Đấng đã đến sống giữa chúng ta”.

Buổi tiếp kiến chung được kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.