Sứ điệp Video Đức Thánh cha gửi Đại hội Thánh Thể Lần thứ 53 tại Quito

Photo: congressieucaristici.va
Mặc dù bận rộn với chuyến tông tu tại Á và Úc châu, Đức Thánh cha Phanxicô vẫn gửi sứ điệp khích lệ các tín hữu hãy sống tinh thần hiệp nhất, tình huynh đệ đích thực mà mầu nhiệm Thánh Thể dạy các tín hữu, để góp phần thăng tiến thế giới.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha đưa ra lời nhắn nhủ trên đây, trong sứ điệp Video công bố nhân dịp khai mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế Lần thứ 53, khai diễn tại Quito, thủ đô Ecuador, từ ngày 08 đến ngày 15 tháng Chín này (IEC-2004), với chủ đề: “Tình Huynh đệ để chữa lành thế giới”.

Trong sứ điệp, Đức Thánh cha nói: “Tôi vui mừng vì có thể tham dự, dù từ xa, Đại hội Quốc tế Thánh Thể này diễn ra tại thành phố San Francisco de Quito, với khẩu hiệu đầy ý nghĩa: “Tình Huynh đệ chữa lành thế giới”.

“Những bài học chúng ta có thể lãnh nhận được từ Thánh Thể cực thánh luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta có thể nói như thánh vịnh 139, “Con coi là đã chấm dứt, nhưng Chúa vẫn còn đối với con, lạy Chúa”, Chúa âm thầm hiện diện trong Nhà Tạm (Xc Tv 139,18). Trong số các giáo huấn, anh chị em đã muốn bài học về tình huynh đệ, như điều kiện thiết yếu để có một thế giới mới, một thế giới công bằng và nhân bản hơn”.

Các Giáo phụ đã từng nói với chúng ta rằng dấu hiệu bánh khơi lên nơi Dân Chúa ước muốn tình huynh đệ, vì như ta không thể làm bánh với một hạt lúa duy nhất; cũng vậy chúng ta phải đồng hành với nhau, vì “tuy là nhiều, chúng ta là một thân mình duy nhất, một bánh duy nhất” (Xc Thánh Augustino, Sermone 227). Theo cách thức đó, chúng ta tăng trưởng như anh chị em, tăng trưởng như Giáo hội, hiệp nhất trong nước rửa tội và được thanh tẩy nhờ lửa Thánh Linh (Xc ibidem). Một tình huynh đệ sâu xa, nảy sinh từ sự kết hợp với Thiên Chúa, từ sự kiện chúng ta để mình được xay ra như hạt lúa hầu có thể trở thành bánh, thành thân mình của Chúa Kitô, qua đó chúng ta tham dự hoàn toàn vào Thánh Thể và cộng đồng các thánh (Xc Thánh Ignaxio thành Antiochia, Romani, 4,1).

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Ngoài ra, tình huynh đệ này phải chủ động. Một thí dụ về điều này mà tôi nghĩ đến trong lúc này, là tư tưởng của một nữ tu người Đức, tên là Angela Autsh, chết trong trại tập trung ở Auschwitz. Trước khi bị bắt, khi sự ác phủ ập trên thế giới trở thành điều hiển nhiên, chị mời các em nhỏ, lúc ấy đang chuẩn bị rước lễ lần đầu, và mời họ hàng có phần khô khan nguội lạnh và mời cả những người mộ đạo, hãy nổi lên chống lại sự ác ấy bằng những cử chỉ đơn sơ, và trong một vài môi trường, những cử chỉ ấy là nguy hiểm: hãy đến gần bí tích Thánh Thể bao nhiêu có thể, chống lại bằng cách rước lễ.”

Đức Thánh cha giải thích rằng: “Đối với chị nữ tu, khuyên siêng năng rước lễ, nhất là trong việc cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng và Giáo hội, là tìm thấy trong Thánh Thể một mối liên kết củng cố sức mạnh của chính Giáo hội, một mối liên hệ củng cố sức mạnh giữa các thành phần họ hàng và với Thiên Chúa, và đối với chị, đó là xây dựng một mạng kháng chiến mà kẻ thù không thể chặn đứng, vì không theo một kế hoạch con người. Đó là những cử chỉ đơn sơ làm cho chúng ta ý thức hơn điều này là: nếu một chi thể đau, thì cả thân mình cũng đau khổ với chi thể ấy, giúp chúng ta trở thành như ông Simon, người xứ Kyrênê, đã giúp vác đỡ thánh giá của Chúa Kitô, Đấng vác lấy trên mình gánh nặng đau khổ của thế giới, để chữa lành thế giới.”

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học bài học này, hãy phục hồi tình huynh đệ quyết liệt với Thiên Chúa và giữa loài người. Chúng ta là một, trong Chúa duy nhất của cuộc sống chúng ta; chúng ta là một theo thể thức mà chúng ta không hiểu trọn vẹn, nhưng điều mà chúng ta hiểu là chỉ trong tình hiệp nhất chúng ta mới có thể phục vụ và chữa lành thế giới”.

(Sala Stampa 7-9-2024)