Đức Thánh cha tiếp các tín hữu Argentina dự lễ phong hiển thánh cho Mẹ Antula

Photo: Vatican Media

Sáng ngày 09 tháng Hai vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến đông đảo các tín hữu người Argentina, cùng với các giám mục, linh mục và tu sĩ, về Roma dự lễ tôn phong hiển thánh cho chân phước Maria Antonia thánh Giuse, quen gọi là Mẹ Antula, người Argentina.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Tiểu sử

Chân phước Maria Antonia thánh Giuse, tục danh là Antonia De Paz y Figueroa, quen gọi là Mama Antula, sáng lập Nhà Tĩnh tâm ở Buenos Aires, sinh năm 1730 tại Silipica, tỉnh Santiago del Estero ở miền bắc Argentina và qua đời năm 1799 tại Buenos Aires, thọ 69 tuổi.

Năm lên 15 tuổi, Maria Antonia quyết định dâng mình cho Thiên Chúa: khấn giữ khấn khiết tịnh. Cùng với các bạn thánh hiến khác, chị giúp đỡ các cha Dòng Tên, đặc biệt trong việc tổ chức các cuộc linh thao, hay tĩnh tâm. Năm 1767, vua Carlo III của Tây Ban Nha quyết định trục xuất các tu sĩ Dòng Tên ra khỏi Nam Mỹ. Khi ấy, Maria Antonia cảm thấy được thúc đẩy trong nội tâm tiếp tục công trình của các cha Dòng Tên. Với sự hỗ trợ của các bạn, chị thường vác thánh giá một mình, đi bộ tới miền đông bắc Argentina, hành trình dài hơn 4.000 cây số, viếng thăm các vùng nghèo và cổ võ các cuộc linh thao. Chị được biết đến nhiều bằng biệt danh là Mẹ Antula và thành lập các Nhà Tĩnh tâm, tại đây chị qua đời vào ngày 07 tháng Ba năm 1799.

Người ta ước lượng số người tham dự các cuộc tĩnh tâm do chị tổ chức vào khoảng từ 70.000 đến 80.000 người.

Chị được phong chân phước tại Santiago del Estero, ngày 27 tháng Tám năm 2016, dưới thời Đức đương kim Giáo hoàng. Di hài chị được tôn kính tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Sầu Bi, ở thủ đô Argentina.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha đặc biệt mời gọi các tín hữu noi gương bác ái và phục vụ Mama Antula. Ngài nói: “Lòng bác ái của Mama Antula, nhất là trong việc phục vụ những người túng thiếu nhất, ngày nay là điều rất cần thiết, giữa một xã hội đang có nguy cơ quên rằng “chủ nghĩa cá nhân cực đoan là virus khó đánh bại nhất. Nó lừa đảo, làm cho chúng ta tin rằng mọi sự đều hệ tại để cho những tham vọng của mình tự do bành trướng” (Fratelli tutti, n.105). Nơi vị chân phước này, chúng ta tìm thấy một mẫu gương và một sự soi sáng khơi dậy “sự chọn lựa dành cho những người rốt cùng, đối với những người mà xã hội gạt bỏ và quẳng đi” (E.G 195). Ước gì gương của thánh nữ giúp anh chị em trở thành dấu chỉ tình thương và dịu hiền giữa anh chị em chúng ta”.

Đức Thánh cha cũng nhắc đến “lòng tin tưởng, phó thác của Mama Antula, được biểu lộ khi vác thánh giá và đi chân không đến thủ đô Buenos Aires, chứng tỏ thánh nữ không đặt an ninh nơi bản thân, nhưng nơi Thiên Chúa, tin tưởng rằng việc tông đồ cam go của mình là công trình của Chúa. Thánh nữ cảm nghiệm điều mà Chúa muốn mỗi người chúng ta, chúng ta có thể khám phá tiếng Chúa gọi, mỗi người trong bậc sống của mình, vì bất kỳ điều gì xảy ra, đều luôn tóm gọn trong khẩu hiệu: ‘Để danh Chúa được cả sáng hơn và để cứu vớt các linh hồn”.

(Sala Stampa 9-2-2024)