Đức Thánh cha sẽ dự phiên họp của nhóm G-7 về trí tuệ nhân tạo

Photo: Vatican News

Đức Thánh cha Phanxicô sẽ tham dự và lên tiếng tại phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh bảy cường quốc kinh tế, quen gọi là G-7, nhóm tại miền Puglia, nam Ý, trong ba ngày, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Sáu tới đây.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Bà Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, cũng như Phòng Báo chí Tòa Thánh, đều loan báo tin này, tối ngày 26 tháng Tư vừa qua.

Bà Meloni nói: “Tôi cám ơn Đức Thánh cha vì đã nhận lời mời của Ý. Ngài sẽ đóng góp phần quan trọng vào việc quy luật hóa về luân lý đạo đức và văn hóa của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence-AI)”.

Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay do nước Ý làm chủ tịch theo lượt và sẽ diễn ra tại Borgo Egnazia, ở miền Puglia. Phiên họp của G-7 về trí tuệ nhân tạo cũng được mở cho các nước không thành viên. Bà Meloni nói rằng đây là lần đầu tiên Đức Thánh cha gặp gỡ G-7, gồm Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Đức, Nhật bản và Ý. “Sự hiện diện của ngài sẽ làm vinh dự cho đất nước chúng ta và toàn G-7”.

Bà Thủ tướng Ý giải thích rằng chính phủ Ý muốn đề cao sự đóng góp của Tòa Thánh về đề tài trí tuệ nhân tạo, đặc biệt với chương trình tên là “Rome call for Ai ethics del 2020”, do Hàn lâm viện Tòa Thánh bênh vực sự sống thăng tiến, trong một hành trình ‘nhắm dẫn tới sự áp dụng cụ thể ý niệm thuật toán (algoretica), hay mang lại luân lý đạo đức cho lãnh vực này”.

Bà Meloni cũng bày tỏ xác tín: “Sự hiện diện của Đức Thánh cha sẽ mang lại một đóng góp quyết định vào việc xác định một khung nền về luân lý và văn hóa cho trí tuệ nhân tạo, vì trong lãnh vực này, một lần nữa sẽ được đo lường khả năng của chúng ta, của cộng đồng quốc tế, về hiện tại và tương lai kỹ thuật, trong việc thực hiện điều mà thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói, ngày 02 tháng Mười năm 1979, trong diễn văn thời danh của ngài tại Liên Hiệp Quốc, rằng: “Hoạt động chính trị, quốc gia và quốc tế đến từ con người, được thực thi nhờ con người và cho con người”.

“Trí tuệ nhân tạo ấy sẽ là thách đố lớn nhất về nhân học trong thời đại ngày nay, một kỹ thuật có thể mang lại những cơ may lớn, nhưng cũng có nhiều rủi ro rất lớn, cũng như ảnh hưởng tới những quân bình trên thế giới. Quyết tâm của chúng ta là điều khiển làm sao để trí tuệ nhân tạo quy hướng về con người và được con người kiểm soát, hay đặt con người ở trung tâm và lấy con người là mục đích tối hậu”.

(Vatican News 26-4-2024)

Tags