Đức Thánh cha kỷ niệm 800 năm thánh Phanxicô Assisi được in Năm Dấu thánh
Sáng ngày 05 tháng Tư năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến cộng đồng Dòng Phanxicô ở La Verna và Tỉnh dòng Toscana, nhân dịp kỷ niệm 800 năm thánh Phanxicô Assisi được Chúa in Năm Dấu thánh, tại La Verna ngày 14 tháng Chín năm 1224.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
La Verna ở cao độ 1130 mét, trên sườn núi Penna, thuộc tỉnh Arezzo, trung Ý, cách Roma khoảng 260 cây số về hướng bắc.
Đoàn tu sĩ Phanxicô được Đức giám mục Giáo phận Arezzo-Cortona-Sansepolcro sở tại, hướng dẫn. Đoàn đã mang đến Đức Thánh cha thánh tích của thánh Phanxicô (máu thánh), đang được rước tới các cộng đoàn khác nhau để nhắc nhở tầm quan trọng của sự trở nên đồng hình dạng với “Chúa Kitô nghèo khổ và bị đóng đinh” (Tommaso Da Celena, Vita Seconda, n.105).
Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha nhận định rằng các thánh tích ấy “nhắc nhở cho mọi người, Dân Thánh của Thiên Chúa, về những đau khổ Chúa Giêsu đã chịu trong thân xác vì yêu thương chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”; nhưng đó cũng là một dấu chỉ sự chiến thắng phục sinh: chính qua các vết thương ấy mà lòng thương xót của Đấng Chịu Đóng Đinh Sống Lại chảy đến chúng ta, như qua các máng chuyển”.
Đức Thánh cha cũng diễn giải về ý nghĩa các dấu thánh trong đời sống Kitô hữu và trong đời sống của tu sĩ Phanxicô.
Trước tiên, “người môn đệ Chúa Giêsu tìm thấy nơi thánh Phanxicô Năm Dấu thánh một tấm gương phản ánh căn tính của mình. Thực vậy, tín hữu không thuộc về một nhóm tư tưởng và hành động được liên kết với nhau bằng sức mạnh nhân trần mà thôi, nhưng họ là một Thân Mình sống động, Thân Mình của Chúa Kitô là Giáo hội. Sự thuộc về như thế không phải chỉ có danh, nhưng thực sự là như vậy: một dấu ấn đã được đóng dấu trên Kitô hữu do bí tích Rửa tội, ghi dấu chúng ta với sự Phục sinh của Chúa”. Vì thế, trong tình hiệp thông yêu thương với Giáo hội, mỗi người chúng ta tái khám phá mình là ai: là một người con được yêu thương, chúc phúc, và hòa giải, được sai đi làm chứng về những kỳ công của ơn thánh, và trở thành người kiến tạo tình huynh đệ”.
Về những dấu thánh trong đời sống tu sĩ Phanxicô, Đức Thánh cha nhận xét rằng “Thánh Sáng lập của anh chị em đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ hãy hiệp nhất với nhau giữa anh chị em và trong lịch sử của anh chị em. Thực vậy, Chúa Chịu Đóng Đinh đã hiện ra với thánh Phanxicô ở La Verna, ghi dấu trên thân mình thánh nhân, cũng là Đấng đã in dấu trong tâm hồn thánh nhân, ngay từ đầu cuộc hoán cải của thánh nhân và giao cho sứ mạng “chữa lại Nhà của Ngài”. Nơi thánh Phanxicô, một con người hòa bình dưới dấu chỉ của cây thập giá, mà thánh nhân dùng để chúc lành cho các anh em, những dấu thánh tượng trưng dấu ấn thiết yếu. Điều này cũng nhắc nhở và kêu gọi anh em hãy trở về với những thiết yếu trong các khía cạnh khác nhau của đời sống anh em: trong tiến trình đào tạo, hoạt động tông đồ và trong sự hiện diện giữa dân chúng: hãy trở thành những người đã được tha thứ mang ơn tha thứ, được chữa lành để mang lại sự chữa lành, vui mừng và đơn sơ trong tình huynh đệ; với sức mạnh của tình thương chảy ra từ cạnh sườn của Chúa Kitô và được nuôi dưỡng trong cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa, cần được canh tân mỗi ngày với lòng nhiệt huyết thiêng liêng nung nấu”.
Trong chiều hướng này, Đức Thánh cha nhắn nhủ các tu sĩ Phanxicô hãy mang vào trong các cộng đoàn và huynh đoàn của mình, trong Giáo hội và thế giới, một chút tình thương bao la đã thúc đẩy Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá vì chúng ta”. Đức Thánh cha nói: “Ước gì cuộc sống thân mật với Chúa, như đã xảy ra với thánh Phanxicô, làm cho anh em trở nên khiêm nhường, hiệp nhất hơn, vui tươi và thiết yếu hơn, yêu mến thánh giá và quan tâm đến những người nghèo, chứng nhân của hòa bình và là những ngôn sứ của niềm hy vọng trong thời đại chúng ta ngày nay, với bao nhiêu khó khăn vất vả trong việc nhận ra sự hiện diện của Chúa. Ước gì anh em, qua cuộc sống thánh hiến, ngày càng là dấu chỉ và chứng tá về Nước Chúa đang sống và tăng trưởng giữa con người.
Và Đức Thánh cha kết thúc với một giai thoại: Tại Argentina, có những người “ăn các linh mục”, những người ghét bỏ các linh mục, khi họ thấy một linh mục gõ vào gỗ, họ tưởng là linh mục ấy mang lại điều xui xẻo bất hạnh, nhưng ước gì điều ấy không bao giờ xảy ra đối với những người mang áo dòng Phanxicô. “Thật là lạ vì một tu sĩ Phanxicô không bao giờ bị lăng mạ. Tại sao như vậy? Chúng tôi không biết. Nhưng áo dòng của anh em làm cho người ta nghĩ đến thánh Phanxicô với những ơn đã nhận được. Hãy tiếp tục như vậy. Dưới áo dòng có quần jean cũng chẳng hệ gì. Hãy tiếp tục tiến bước!”
(Sala Stampa 5-4-2024)