Đức Thánh cha gặp gỡ sáu ngàn học sinh và giáo chức các trường hòa bình

Photo: Vatican Media

Thứ Sáu, ngày 19 tháng Tư năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã gặp gỡ sáu ngàn học sinh cùng với các giáo chức và giám đốc các trường hòa bình ở Ý, như một giai đoạn tiến về Ngày Thế giới các Trẻ em lần đầu tiên, vào các ngày 25 và 26 tháng Năm tới đây tại Roma.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Cuộc gặp gỡ này cũng là thành phần của chương trình giáo dục công dân, với chủ đề là: “Chúng ta hãy biến đổi tương lai. Cho hòa bình với sự chăm sóc”. Mục đích là đào tạo một thế hệ mới những người xây dựng hòa bình.

Mọi người đã tụ tập tại Đại thính đường Phaolô VI, sinh hoạt với nhau hàng giờ, trước khi Đức Thánh cha tiến vào Hội trường, lúc quá 10 giờ sáng. Sau những lời chào mừng, Đức Thánh cha ngỏ lời với tất cả mọi người và nhận định rằng:

“Ngày nay, hơn bao giờ hết, cần sống với tinh thần trách nhiệm, mở rộng chân trời, nhìn về đằng trước, ngày qua ngày, gieo vãi những hạt giống hòa bình, có thể nảy mầm ngày mai và mang lại hoa trái”.

Đức Thánh cha nhắc đến một Hội nghị thượng đỉnh vào tháng Chín năm nay, do Liên Hiệp Quốc triệu tập tại New York, về tương lai, để đương đầu với những thách đố lớn của thế giới trong thời điểm lịch sử hiện nay và ký một “Hiệp ước về tương lai” và một “Tuyên ngôn về những thế hệ mai sau”. Đức Thánh cha nói: “Đó là một biến cố quan trọng và cũng cần có sự đóng góp của các con để nó không chỉ nằm trên giấy tờ, nhưng trở nên cụ thể và được thực hiện qua những hành trình và hoạt động thay đổi”.

Đức Thánh cha cho biết ngài tin rằng “giới trẻ được kêu gọi trở thành những người giữ vai chính, chứ không phải là những khán giả nhìn tương lai. Sự triệu tập Hội nghị thượng đỉnh thế giới này nhắc nhở chúng rằng tất cả chúng ta đều được kêu gọi xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, và nhất là chúng ta phải xây dựng cùng nhau! Chúng ta không thể chỉ ủy thác những bận tâm cho thế giới sẽ đến mai sau, để họ giải quyết các vấn đề của họ và cho những người có trách nhiệm đặc biệt về xã hội... Vì thế, cần phải liên kết với nhau thành mạng lưới, nối kết và làm việc hiệp lực cùng nhau, hòa hợp với nhau. Điều này có nghĩa là tiến từ “cái tôi” đến chúng ta: không phải tôi làm việc cho thiện ích của tôi, nhưng là “chúng ta làm việc cho ích chung, cho thiện ích của tất cả mọi người”.

Sau cùng, Đức Thánh cha cũng ứng khẩu nhắc đến thảm trạng chiến tranh ở Ucraina và Gaza, bao nhiêu trẻ em đang đau khổ vì chết chóc và các vấn đề khác nữa. Ngài nhắn nhủ rằng: “Các con rất thân mến, trong thời kỳ còn bị chiến tranh hiện nay, cha xin các con hãy trở thành những người xây dựng hòa bình; trong một xã hội còn là tù nhân của thứ văn hóa gạt bỏ, cha xin các con hãy giữ vai chính trong sự bao gồm những người khác; trong một thế giới còn bị những cuộc khủng hoảng hoàn cầu, cha xin các con hãy là những người xây dựng tương lai, để căn nhà chung của chúng ta trở thành nơi có tình huynh đệ, liên đới và hòa bình”.

(Sala Stampa 19-4-2024)

Tags