Đức Thánh cha cổ võ bài trừ nạn lạm dụng trẻ em

Photo: Vatican Media

Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi bảo vệ, lắng nghe và chữa lành các trẻ vị thành niên và người dễ bị tổn thương bị lạm dụng.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng hôm 18 tháng Mười Một vừa qua, dành cho 400 tham dự viên cuộc gặp gỡ toàn quốc Ý, lần đầu tiên của các Dịch vụ và Trung tâm lắng nghe tại nước này, để bảo vệ các trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Cuộc gặp gỡ tiến hành tại Roma trong những ngày này về đề tài: “Vẻ đẹp bị tổn thương. “Ta sẽ săn sóc vết thương của con và sẽ chữa lành con khỏi những tai ương” (Gr 30,17).

Hiện diện tại buổi tiếp kiến, có Đức Hồng y Matteo Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, và các vị đặc trách các Dịch vụ bảo vệ trẻ vị thành niên và các Trung tâm lắng nghe thuộc các giáo phận và miền tại Ý. Đức Thánh cha gọi tất cả những người hiện diện là đại diện cho quyết tâm của Giáo hội tại Ý trong việc thăng tiến nền văn hóa bảo vệ các trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương. Ngài khẳng định rằng: “điều quan trọng là làm sao để toàn thể Dân Chúa tham gia vào công cuộc bảo vệ trẻ em”.

Và Đức Thánh cha đặc biệt nhấn mạnh đến ba chiều kích: bảo vệ, lắng nghe và chữa lành.

Bảo vệ có nghĩa là “quan tâm đến việc bênh vực những người bé nhỏ nhất và vô phương thế tự vệ. Đó là một hành trình đòi phải canh tân nội tâm và cộng đoàn, trong công lý và sự thật. Người bảo vệ biết rằng ‘không có sự thinh lặng hoặc che đậy nào có thể chấp nhận được về vấn đề lạm dụng’, vì thế điều quan trọng là kiểm chứng sự thật và tái lập công lý giữa lòng Giáo hội, kể cả trong những trường hợp không bị luật nhà nước coi là tội phạm, như là tội phạm theo giáo luật” (CEI-CISM, Chỉ nam bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương).

Thứ hai là lắng nghe các nạn nhân. “Chỉ nhờ lắng nghe những người đã chịu đau khổ vì tội ác kinh khủng này mới tiến đến tình liên đới và thúc đây phải làm tất cả những gì có thể để sự lạm dụng không tái diễn”.

Sau cùng là chữa lành các vết thương. Đây cũng là một công việc công lý. Chính vì thế, điều quan trọng là truy nã những kẻ đã phạm các tội ác ấy, nhất là trong lãnh vực Giáo hội. Chính họ có bổn phận luân lý phải hoán cải bản thân, đi tới sự nhìn nhận sự bất trung của mình đối với ơn gọi, phục hồi đời sống tinh thần và khiêm tốn xin lỗi các nạn nhân vì những hành động của mình”.

(Rei 18-11-2023)

Tags