Đức Thánh cha chủ sự thánh lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa

Lúc 10 giờ sáng, ngày đầu năm 2025, thứ Tư, ngày 01 tháng Giêng, lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô, trước sự tham dự của sáu ngàn tín hữu. Ngoài ra, tham dự thánh lễ cũng có các đại diện ngoại giao của nhiều nước.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đồng tế với Đức Thánh cha trong thánh lễ, có khoảng ba mươi hồng y và mười hai giám mục cùng với 150 linh mục. Đặc biệt, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, thay Đức Thánh cha chủ sự tại bàn thờ. Trên bàn thánh, cạnh Đức Hồng y Parolin, có Đức Hồng y Michael Czerny, người Canada, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, và Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, người Anh, Ngoại trưởng của Tòa Thánh.

Ngồi hàng đầu nơi các giáo dân, cũng có phái đoàn hơn 24 thiếu nhi và thiếu niên người Đức, Áo và Thụy Sĩ. Các em được gọi là “Các ca viên ngôi sao”, tham gia chiến dịch Lễ Ba Vua tại các nước liên hệ. Các em mặc y phục như Ba Đạo Sĩ, đi tới các gia đình chúc mừng là lạc quyên để giúp các trẻ em nghèo.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Mầu nhiệm Chúa giáng trần

Trong bài giảng thánh lễ, đi từ thư của thánh Phaolô gửi tín hữu thành Galat, trong đó thánh nhân tóm gọn mầu nhiệm Giáng sinh khi khẳng định rằng “Thiên Chúa đã phái Con của Ngài, sinh bởi người nữ” (Gl 4,4). Đức Thánh cha nhận xét rằng: Những lời này - ‘sinh bởi người nữ’ - ngày hôm nay âm vang trong tâm hồn chúng ta và nhắc nhở rằng Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã làm người và tỏ mình trong sự mong manh yếu đuối của xác thể”.

“Thánh Phaolô nêu rõ ràng Ngôi Lời Thiên Chúa sinh bởi người nữ, hầu như thánh nhân cảm thấy cần nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa thực sự làm người của một cung lòng phàm nhân (..), có một khuôn mặt và danh xưng... Người đến từ trời cao nhưng cư ngụ trong thẳm sâu của trái đất; Người là Con Thiên Chúa, nhưng trở thành Con của loài người. Người là hình ảnh của Thiên Chúa toàn năng, đã đến trong sự yếu đuối; và tuy không có vết tỳ ố nào, “Thiên Chúa đã làm cho Người thành tội nhân để mưu ích cho chúng ta” (2Cr 5,21). Người đã sinh bởi người nữ và trở thành một người trong chúng ta: chính vì thế, Người có thể cứu vớt chúng ta”.

Thiên Chúa chọn con đường khiêm hạ

“Thánh Louis Marie Grignion de Montfort nói rằng Thiên Chúa khôn Ngoan, “tuy có thể, nhưng Ngài không muốn trực tiếp hiến mình cho loài người, Ngài muốn hiến thân qua Đức Thánh Trinh Nữ. Ngài không muốn đến trong trần thế ở tuổi con người hoàn hảo, độc lập với những người khác, nhưng đến như một hài nhi bé bỏng, nghèo hèn, cần được người Mẹ chăm sóc và nuôi dưỡng” (Trattato della vera devozione alla Santa Vergine, 139). Và trong cuộc sống của Chúa Giêsu, chúng ta có thể thấy sự chọn lựa ấy của Thiên Chúa, chọn sự bé bỏng và âm thầm; Ngài không bao giờ chiều theo sự thu hút của quyền lực thần linh để thực hiện những phép lạ tỏ tường và áp đặt trên người khác như lời cám dỗ của quỷ, trái lại Ngài tỏ lộ tình thương của Thiên Chúa trong vẻ đẹp của nhân tính Ngài, ở giữa chúng ta, chia sẻ cuộc sống thường nhật với những vất vả và ước mơ, cảm thương với những đau khổ của người mù, và khích lệ những tâm hồn hoang mang. Chúa Giêsu tỏ Thiên Chúa cho chúng ta qua nhân tình mong manh của Ngài, Chúa chăm sóc những người yếu đuối”.

Mời gọi nhận ra Chúa nơi tha nhân

Từ những nhận xét trên đây về lòng yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa đối với loài người, Đức Thánh cha khích lệ các tín hữu hãy tìm kiếm Chúa và săn sóc Người nơi những người yếu đuối và nói rằng: “Chúng ta quả quyết Chúa là Đấng Cứu Độ trần thế, nhưng chúng ta có thể và phải gặp Ngài nơi khuôn mặt của mỗi người. Nếu Ngài là Con Thiên Chúa, đã trở nên bé nhỏ để được bồng trên cánh tay của một người mẹ, để được chăm sóc và nuôi dưỡng, thì điều này có nghĩa là ngày nay Chúa cũng đến nơi tất cả những người đang cần được chăm sóc như vậy: nơi mỗi anh chị em chúng ta gặp và đang cần được chăm sóc, lắng nghe và được sự dịu dàng của chúng ta.

Và Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Chúng ta hãy phó thác Năm mới đang bắt đầu này nơi Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, để chúng ta cũng học như Mẹ tìm thấy sự cao cả của Thiên Chúa nơi những bé nhỏ trong của cuộc sống; để chúng ta học chăm sóc mỗi thụ tạo sinh bởi người nữ, nhất là gìn giữ hồng ân sự sống quý giá, như Mẹ Maria làm: sự sống trong cung lòng người mẹ, sự sống của các hài nhi, của người đau khổ, người nghèo, người già, người cô đơn và người đang sinh thì.”

Ngày Thế giới Hòa bình

Nhắc đến Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 68, Đức Thánh cha nói:

“Hôm nay, Ngày Hòa bình Thế giới, lời mời gọi này trào dâng từ tâm hồn hiền mẫu của Mẹ Maria, chúng ta được kêu mời đón nhận tất cả mọi người: bảo tồn sự sống, chăm sóc cuộc sống bị tổn thương, trả lại phẩm giá cho mỗi sự sống “sinh bởi người nữ” là nền tảng để xây một nền văn minh hòa bình. Vì thế, “tôi kêu gọi mọi người hãy cương quyết dấn thân thăng tiến sự tôn trọng phẩm giá con người, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, để mỗi người có thể yêu mến chính cuộc sống của mình và nhìn về tương lai trong niềm hy vọng”. (Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 68, 1-1-2025)

Và sau cùng, Đức Thánh cha nói với mọi người rằng: “Chúng ta hãy phó thác Năm Thánh này cho Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, dâng lên Mẹ những lời cầu xin, những quan tâm, đau khổ, vui mừng, và tất cả những gì chúng ta mang trong lòng. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ toàn thế giới, để niềm hy vọng được tái sinh và để sau cùng hòa bình cho mọi dân tộc trên trái đất được nảy mầm”.

Lời cầu phổ quát

Trong phần lời nguyện giáo dân, mọi người đã lần lượt cầu cho Giáo hội đang lữ hành trong thế giới, cho các chính quyền, cho những người đang chịu đau khổ thân xác và tinh thần, cho các thế hệ trẻ và sau cùng cho bản thân chúng ta đang cử hành các mầu nhiệm thánh.