Đức Thánh cha chủ sự Nghi thức Tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa

Vào lúc 5 giờ, chiều Thứ Sáu Tuần thánh, ngày 29 tháng Ba năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của hàng ngàn tín hữu, đông đảo các hồng y, giám mục, và hàng trăm chức sắc khác.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Sau bài Thương khó, Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, 90 tuổi, Dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo hoàng, từ 44 năm nay (1980), đã diễn giải về đề tài: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết rằng Tôi Hằng Hữu”.

Đức Hồng y nhận xét rằng lời quả quyết của Chúa Giêsu trong cuộc tranh luận này với người Do thái chủ ý gợi lại những lời của sách Xuất Hành (3,16) và của ngôn sứ Isaia (43,10-12), trong đó chính Thiên Chúa xưng thần tính của Ngài “Ta Hằng Hữu”. Trong bối cảnh đó, lời quả quyết của Chúa Kitô ở đây là điều mới mẻ chưa từng có, và như muốn nói rằng thực tính của Thiên Chúa, ta chỉ biết từ thập giá. Thành ngữ “bị gương lên cao”, trong Tin mừng theo thánh Gioan, nói về biến cố thập giá!

“Chúng ta đứng trước một sự đảo lộn hoàn toàn ý tưởng của con người về Thiên Chúa, và phần nào của Cựu ước. Chúa Giêsu không đến để sửa lại hoặc kiện toàn ý tưởng mà con người nghĩ về Thiên Chúa, nhưng theo một nghĩa nào đó, Ngài đảo lộn nó và tỏ lộ khuôn mặt thật của Thiên Chúa”.

Thiên Chúa là toàn năng và “sự toàn năng của Thiên Chúa là sự hoàn toàn bất lực của Canvê”. Người ta “chỉ cần một ít quyền năng để biểu dương mình. Trái lại, cần rất nhiều quyền năng để có thể đứng sang một bên, để xóa bỏ chính mình. Thiên Chúa chính là sức mạnh vô biên của sự tự che giấu! “Chúa đã tự hủy chính mình” (Pl 2,7). Đối lại với “ý muốn quyền lực của chúng ta”, Chúa đã tỏ ra sự tự ý bất lực của chính mình. Thật là một bài học cho chúng ta, là những người cố ý hoặc vô tình luôn muốn biểu dương mình! Thật là một bài học dường nào có những người quyền hành trên trái đất chỉ muốn quyền hành, “áp bức các dân tộc”, và thậm chí còn muốn được gọi là những ân nhân (Xc Mt 20,25; Lc 22,25).

Đức Hồng y Cantalamessa cũng nhấn mạnh rằng: Sự hiển thắng của Chúa Kitô trong cuộc phục sinh khác hẳn với điều ta thường nghĩ. Sự phục sinh của Chúa được biểu lộ trong mầu nhiệm, không có nhân chứng. Cái chết của Ngài được đám đông dân chúng chứng kiến, và có sự can dự của những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị. “Nhưng khi sống lại, Chúa Giêsu chỉ hiện ra với mộ số ít người, xa các đèn chiếu. Qua đó, Chúa muốn nói với chúng ta rằng sau khi chịu đau khổ, không cần phải chờ đợi cuộc hiển thắng bên ngoài, hữu hình, như một vinh quang trần thế. Chiến thắng được thực hiện trong sự vô hình và ở một bình diện vô cùng cao hơn vì nó vĩnh cửu! Các vị tử đạo hôm qua và hôm nay là bằng chứng”.

“Chúa Phục sinh biểu lộ qua những lần Ngài hiện ra, đủ để cung cấp một bằng chứng vững chắc cho đức tin, cho người tiên thiên từ chối tin tưởng; nhưng không phải là một sự phục thù làm nhục các đối thủ của Ngài”.

Sau cùng, Đức Hồng y Cantalamessa kêu gọi các tín hữu hãy đón nhận lời mời của Chúa Giêsu từ trên thập giá: “Hãy đến với tôi, hỡi tất cả những ai vất vả nhọc nhằn, và tôi sẽ bổ sức cho” (Mt 11,28) ... Sự toàn năng của Thiên Chúa ở đây là toàn năng của tình thương, như đã viết “Cái yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh hơn cái mạnh mẽ của con người” (1 Cr 1,25).

Lễ nghi Tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa được tiếp nối với mười lời nguyện cho các nhu cầu của Công giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ thánh giá và phần hiệp lễ. Sau cùng, hàng chục linh mục đã trao ban Mình Thánh Chúa cho các tín hữu tham dự nghi thức.

(Rei 29-3-2024)

Tags