Phi châu tại Thượng Hội đồng Giám mục Kỳ thứ XVI
Trong khi các Giáo hội tại Tây phương co cụm trong các cuộc thảo luận về các cặp đồng phái, truyền chức cho phụ nữ, nạn lạm dụng tính dục trẻ em, thì Giáo hội tại Phi châu nhấn mạnh cuộc chiến chống nghèo đói, nạn đa thê hoặc chủ trương tôn giáo hỗn hợp. Một số người e ngại rằng những quan tâm khác biệt giữa Giáo hội tại các nước giàu và nước nghèo sẽ đẩy đưa tới sự tan vỡ hoặc co cụm vào mình.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Ngay trong khóa họp hồi trung tuần tháng Tám năm nay tại Nairobi, thủ đô Kenya, khoảng 50 hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đại biểu đã thảo luận về vấn đề “hòa hợp những ưu tiên, đối chiếu các lập trường và chuẩn bị dấn thân tích cực và hữu hiệu của Phi châu vào Thượng Hội đồng Giám mục”. Cha Rafael Simbina, Tổng thư ký Liên Hội đồng Giám mục Phi châu và Madagascar, gọi tắt là SECAM, cho biết như trên. Trong khóa họp, nhiều vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi châu nhận xét rằng Thượng Hội đồng Giám mục không phản ánh đủ những quan tâm của Phi châu vì sự khác biệt giữa các nước giàu và nghèo.
Cho đến nay, người ta có cảm tưởng Phi châu không được lắng nghe đủ. Như Chủ tịch Hội đồng Giám mục Kenya, Đức cha Martin Kivuva Musonde, nói: “Chúng ta phải lắng nghe tiếng nói của Phi châu. Nhiều giám mục thuộc đại lục này sợ rằng “những xung đột thần học của Giáo hội Tây phương ngăn cản các đại biểu Phi châu bảo vệ điều cốt yếu”.
Đối với nữ tu Anne-Béatrice Faye, Tiến sĩ triết, người Sénégal, thành viên Hiệp hội Thần học gia Phi châu (ATA), điều cần thiết là “Thượng Hội đồng Giám mục chú ý tới đến tất cả những quan tâm, lo âu, không lơ là với một miền nào”. Chị nhấn mạnh đến quan tâm của Phi châu là “giải quyết các xung đột, chiến đấu chống nạn thực dân kinh tế, và khai thác bất hợp pháp các tài nguyên, thăng tiến một sự cai trị tốt, hội nhập văn hóa”.
Nhưng đó là những vấn đề rất ít được các Giáo hội tại Âu châu và Bắc Mỹ để ý tới và chỉ chú tâm đến cuộc thảo luận về hôn nhân đồng phái, ly dị tái hôn, truyền chức cho nữ giới. Một đại biểu từ Cộng hòa Dân chủ Congo nhận xét rằng: “Những xung đột ý thức hệ ấy làm cho chúng tôi mất thời giờ. Chúng tôi đang phải đương đầu với chiến tranh, nạn tân thực dân, vấn đề xuất cư. Đó là những vấn đề cấp thiết đối với chúng tôi”.
Một giám mục khác, Đức cha Antony Muheria, Giám mục Giáo phận Nyeri ở miền Trung Kenya, cho biết: “Các tín hữu xin chúng tôi quan tâm đến nạn đa thê”. Còn nữ tu Anne-Béatrice, chuyên gia Thượng Hội đồng, nói: thêm vào đó, còn có tình trạng các phụ nữ, vấn đề bảo vệ trẻ em, nạn nghèo đói. Đó là những vấn đề mà các đại biểu Phi châu cố gắng hết sức để lưu ý tại Thượng Hội đồng Giám mục.
Đứng trước cảm tưởng bi quan của Phi châu về kết quả Thượng Hội đồng Giám mục Kỳ thứ XVI hiện nay. Đức Hồng y Fridolin Ambongo, Tổng giám mục Kinshasa, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Phi châu và Madagascar, tìm cách đấu dịu. Ngài nhận xét rằng chưa bao giờ có nhiều đại biểu Phi châu tại Thượng Hội đồng Giám mục như hiện nay và Đức Hồng y cám ơn Đức Thánh cha về điều này. Trong số 464 tham dự viên, có 67 người Phi châu, trong đó có 5 hồng y, 48 giám mục, 12 linh mục và nữ tu, 2 giáo dân. Chính họ là những người mang tiếng nói của chúng tôi một cách xứng đáng”.
Một Phi châu do dự
Một điều ngạc nhiên đầu tiên, từ sau khi khai mạc Thượng Hội đồng, theo nhiều tiết lộ, đó là các đại biểu Phi châu tỏ ra có sự uyển chuyển về vấn đề cho những người ly dị tái hôn được rước lễ. Theo một giám mục Phi châu, “nếu giữ nguyên lập trường nghiêm cấm, thì có nguy cơ cô lập hóa các đại biểu Phi châu. Tốt hơn nên nhượng bộ một chút để đẩy mạnh lập trường thiết yếu của chúng tôi”.
Theo Đức cha, vấn đề hôn nhân đồng phái không có chỗ đứng tại Phi châu, đó là điều liên hệ tới Tây phương. Ngoài ra, cũng không có vấn đề truyền chức phó tế hay linh mục cho phụ nữ đối với Phi châu.
Mặc dù có những lập trường khác nhau, các đại biểu Phi châu tỏ ra kín đáo, nhất là đối với giới báo chí. Và đó là lập trường được Đức Hồng y Ambongo khuyến khích.
(cath.ch 18-10-2023)